The booming Asian cities and the risk of environmental degradationTheo một báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), châu lục này cần thực hiện ngay những biện pháp tăng trưởng xanh hoặc sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm về môi trường.
Nghiên cứu của ADB đã xem xét những thách thức cũng như những cơ hội trong sự phát triển bùng nổ của các đô thị châu Á. Bản báo cáo cũng đề cập đến những biện pháp cần thiết để giúp các đô thị ở đây, bao gồm cả các trung tâm tăng trưởng, có thể phát triển bền vững.
Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, châu Á đã là một khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất và cũng là nơi cư trú của gần một nửa số cư dân thành thị toàn cầu. Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ nữa, châu lục này sẽ có đến 21 trên tổng số 37 siêu đô thị toàn cầu và trong vòng 30 năm tới, dự tính sẽ có thêm 1,1 tỷ người sinh sống trong những thành phố vốn đã đông đúc của châu lục này.
Ảnh minh họa: Tamutimes.tamu.edu
Cùng với tốc độ mở rộng chóng mặt của các đô thị, tình trạng ô nhiễm, sự gia tăng các khu ổ chuột và sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội dẫn đến sự suy thoái môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu không được kiểm soát, lượng khí thải CO2 có thể đạt mức bình quân đầu người 10,2 tấn vào năm 2050 – một con số có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho châu Á và thế giới.
Báo cáo cũng dự báo, với tốc độ gia tăng dân số đô thị như hiện nay, sẽ có khoảng hơn 400 triệu người ở các thành phố ven biển châu Á phải hứng chịu nguy cơ ngập lụt và khoảng 350 triệu người trong đất liền cũng phải chịu cảnh tương tự vào năm 2025. Nếu không có sự quản lý phù hợp, xu hướng này sẽ tiếp tục khiến suy thoái môi trường gia tăng và chất lượng cuộc sống suy giảm chất lượng cuộc sống.
Cùng với các biện pháp quản lý, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng có nhiều giải pháp giúp hạn chế kịch bản tồi tệ trên. Trong đó, sự phát triển của các thành phố là điều kiện giúp cải thiện hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Thêm nữa, nhận thức cũng được nâng cao sẽ có tác động tích cực đối với việc sử dụng các nguồn tài nguyên.
Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng, cải tiến hiệu suất năng lượng, áp dụng các loại phí phát thải, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu… để đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm cả phát triển các công nghệ xanh. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần thúc đẩy khả năng thích ứng với khí hậu của các thành phố và cải thiện các khu ổ chuột ở đô thị, báo cáo khuyến nghị.
Anh Đức (Theo ADB, 15/08/2012) |