1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Môi trường nên không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quan trắc môi trường, cụ thể:
(1) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc chứng nhận các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường.
(2) Thông tư quy định về định mức sử dụng diện tích nhà, xưởng, thiết bị, lao động cho trạm quan trắc môi trường.
(3) Thông tư quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (quan trắc nước thải công nghiệp; quan trắc khí thải công nghiệp; quan trắc môi trường đất; quan trắc môi trường nước mặt lục địa; quan trắc môi trường nước biển; quan trắc môi trường nước dưới đất; quan trắc môi trường nước mưa axit; quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn).
* Kết quả thực hiện:
Các dự thảo văn bản đã hoàn thành việc xây dựng và đang trong quá trình trình cấp có thẩm quyền thẩm định.
- Ngày 4 tháng 10 năm 2010, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đã ký ban hành Thông tư số 18/2010/TT-BTNMT về định mức sử dụng diện tích nhà xưởng, thiết bị và biên chế cho trạm quan trắc môi trường.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: hiện tại, Văn phòng Chính phủ đang thẩm định. Trung tâm vẫn luôn theo dõi để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo những ý kiến thẩm định của Văn phòng Chính phủ.
- Thông tư về 8 quy chuẩn kỹ thuật: Hồ sơ hiện đang trình 2 Vụ Pháp chế và Vụ KH&CN - Bộ TN&MT thẩm định.
2. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn
Thực hiện chức năng là đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Tổng cục, tuy nhiên, Trung tâm được giao thực hiện các nhiệm vụ ngoại nghiệp trong hoạt động quan trắc môi trường. Tong năm 2010, Trung tâm vẫn tích cực thực hiện các dự án, nhiệm vụ mở mới, các đề tài nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Trung tâm được giao thực hiện 26 nhiệm vụ, dự án:
- 07 nhiệm vụ về quan trắc môi trường tại 3 LVS và vùng KTTĐ;
- 03 nhiệm vụ thực hiện duy trì hoạt động chỉ huy, điều hành mạng lưới của Trung tâm đầu mạng trong QTMT quốc gia;
- 02 nhiệm vụ về xây dựng định mức KTKT và đơn giá cho hoạt động quan trắc và kiểm chuẩn môi trường;
- 06 nhiệm vụ khác phục vụ nhiệm vụ quan trắc, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường
- 01 dự án cấp Bộ thuộc nguồn sự nghiệp kinh tế;
- 01 dự án thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (chuyển tiếp từ năm 2009);
- 02 dự án cấp Bộ (chuyển tiếp từ năm 2009);
- 03 dự án thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển (chuyển tiếp từ năm 2009);
- 01 đề tài nghiên cứu khoa học (mở mới).
2.1.Duy trì, phát triển hoạt động quan trắc môi trường
1. Tích cực tham gia việc thực hiện và nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg, ngày 29/01/2007 về Quy hoạch tổng thể mạng lưới Quan trắc tài nguyên và môi trường: thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục, Trung tâm là đầu mối của Tổng cục trong việc đóng góp ý kiến sửa đổi Quyết định số 16.
2. Khảo sát và xây dựng mới chương trình quan trắc môi trường tại các LVS còn lại trong Hệ thống LVS trên cả nước:
3. Tập trung kiện toàn, xây dựng mới và đưa vào vận hành mạng lưới các trạm QTMT vùng tác động; trạm quan trắc môi trường LVS... bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất.
4. Triển khai các dự án không khí và nước tự động trên toàn quốc:
- Đầu tư, lắp đặt trạm tự động quan trắc môi trường không khí tại Đà Nẵng và giao cho Sở TNMT Đà Nẵng quản lý, vận hành.
- Chuẩn bị công tác đầu tư trạm quan trắc môi trường không khí tự động đặt tại Khánh Hòa và Phú Thọ.
5. Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các trạm QTMT với nhau và với Trung tâm điều hành mạng lưới:
6. Tiếp tục tăng cường năng lực (con người, trang thiết bị) cho Trung tâm phục vụ quan trắc môi trường và kiểm chuẩn thiết bị:
- Tăng cường hoạt động của các trạm tự động QTMT không khí và nước:
- Triển khai xây dựng phòng kiểm chuẩn thiết bị quan trắc môi trường, các trạm quan trắc môi trường vùng, hệ thống thông tin môi trường đầu mạng: Lắp đặt và nghiệm thu bộ thiết bị kiểm chuẩn cho các thiết bị đo khí thuộc dự án xây dựng phòng kiểm chuẩn thiết bị quan trắc môi trường. Chuẩn bị các thủ tục để đăng ký cho thiết bị chuẩn và đăng ký phù hợp tiêu chuẩn để có đủ điều kiện tham gia hiệu chuẩn thiết bị.
7. Rà soát và báo cáo lãnh đạo Tổng cục phương án điều chỉnh lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quan trắc môi trường không còn phù hợp với thực tế:
8. Tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản về quy trình, định mức, đơn giá trong lĩnh vực quan trắc môi trường và kiểm chuẩn thiết bị:
- Hoàn thiện Quy trình hiệu chuẩn thiết bị phân tích khí SO2, NOx, CO, O3 của trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục.
- Xây dựng Định mức kinh tế kỹ thuật hiệu chuẩn thiết bị phân tích khí SO2, NOx, CO, O3 của trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan trong Tổng cục Môi trường và các địa phương xây dựng đơn giá sản phẩm cho các hoạt động quan trắc môi trường đã có định mức kinh tế - kỹ thuật (như: quan trắc môi trường nước mặt lục địa, đất, nước dưới đất, nước mưa axit, nước biển, khí thải và phóng xa).
2.2.Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường
1. Xây dựng Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2010:
Theo Luật BVMT, 5 năm 1 lần Bộ TNMT có trách nhiệm xây dựng Báo cáo Môi trường Quốc gia để trình Quốc Hội. Năm 2010, Trung tâm Quan trắc được Tổng cục Môi trường giao chủ trì xây dựng Báo cáo này. Xác định đây là một báo cáo quan trọng của Bộ TNMT, đánh giá toàn diện bức tranh môi trường của Việt Nam trong 5 năm qua, Trung tâm đã phát huy mọi nguồn lực, huy động sự phối hợp của các chuyên gia trong và ngoài nước, các đơn vị có liên quan và các địa phương trong cả nước tham gia vào quá trình xây dựng báo cáo. Dự kiến báo cáo sẽ trình Bộ trưởng phê duyệt vào tháng 01/2011 và trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XII.
2. Tiếp tục triển khai và hướng dẫn triển khai các Bộ chỉ thị môi trường quốc gia.:
Trong năm 2010, Trung tâm đã tổ chức 02 khoá tập huấn của các địa phương về xây dựng, quản lý và cập nhật thông tin, dữ liệu cho các Bộ chỉ thị môi trường quốc gia: không khí, nước mặt lục địa và nước biển ven bờ.
Thu thập thông tin, số liệu để cập nhật cho một số chỉ thị trong các Bộ chỉ thị môi trường quốc gia, phục vụ kịp thời cho việc xây dựng các báo cáo môi trường và hỗ trợ quá trình ra quyết định.
3. Xây dựng cơ sở dữ liệu và Hệ thống thông tin giám sát môi trường LVS Nhuệ - Đáy:
Trên cơ sở Hệ thống thông tin giám sát môi trường LVS Nhuệ đã xây dựng năm 2009, đến năm 2010 Hệ thống này tiếp tục được hoàn thiện để đi vào hoạt động thử nghiệm. Cũng trên cơ sở đó, Hệ thống đã được mở rộng cho toàn bộ LVS Nhuệ - Đáy với các hoạt động: bổ sung bản đồ nền cho toàn LVS, thu thập cập nhật thông tin dữ liệu về điều kiện tự nhiên, KT-XH, hiện trạng môi trường và các nguồn thải trên LVS Nhuệ - Đáy.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu và Hệ thống thông tin môi trường LVS Cầu:
Cũng cơ sở Hệ thống thông tin giám sát môi trường LVS Nhuệ đã xây dựng năm 2009 và những phân tích bước đầu cho Hệ thống thông tin môi trường LVS Cầu đã thực hiện năm 2009, năm 2010, Trung tâm tiếp tục triển khai xây dựng Cổng thông tin của Hệ thống, tiến hành xây dựng và thu thập thông tin, dữ liệu cho Hệ thống về điều kiện tự nhiên, KT-XH, hiện trạng môi trường và các nguồn thải trên LVS Cầu.
5. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các điều kiện khí tượng thuỷ văn, biến đối khí hậu và sự dâng cao mực nước biển, ô nhiễm môi trường gây tổn thất tài nguyên - môi trường, kinh tế - xã hội và các hệ sinh thái vùng biển và dải ven biển Việt Nam: tiếp tục triển khai các hạng mục công việc năm 2010.
6. Quản lý, tổng hợp và khai thác thông tin số liệu quan trắc môi trường: Trong năm 2010, Trung tâm đã tiến hành:
- Tiếp tục thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu và quản lý thống nhất số liệu quan trắc môi trường từ các trạm QTMT quốc gia, xây dựng để trình ban hành các biểu mẫu, báo cáo trong mạng lưới;
- Triển khai thử nghiệm quy trình kiểm soát chất lượng số liệu trong quan trắc môi trường;
- Tổ chức Hội thảo – tập huấn về công tác quan trắc và quản lý số liệu trong Mạng lưới;
- Xây dựng và thử nghiệm áp dụng các chỉ số đánh giá chất lượng môi trường không khí (AQI) và nước (WQI).
7. Tiếp tục triển khai xây dựng Hệ thống thông tin đầu mạng cho Mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia.
8. Bắt đầu ứng dụng công nghệ telemonitoring: áp dụng các kết quả đã được thực hiện trong việc ứng dụng CNTT và truyền thông trong đo đạc, truyền, lưu trữ và chia sẻ số liệu quan trắc môi trường không khí và nước tự động liên tục.
2.3.Xây dựng phòng hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế
1. Thiết lập phòng hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025: chuẩn bị thủ tục, hồ sơ và các văn bản quản lý chất lượng để thiết lập phòng hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025 (năm 2011).
2. Tiếp tục triển khai xây dựng quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật về kiểm chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường: (xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết bị chuẩn, văn bản, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật về hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường nước).
2.4.Thực hiện chức năng đầu mối phân tích môi trường
1. Vận hành Phòng Thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025: Được cấp chứng chỉ ISO/IEC 17025 và tiếp tục duy trì sự phù hợp với chuẩn mực công nhận và các qui định của Văn phòng Công nhận Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Tiếp tục thực hiện chức năng đầu mối phân tích môi trường:
- Tổ chức khóa đào tạo phân tích, thực hiện QA/QC trong phòng thí nghiệm cho mạng lưới quan trắc môi trường;
- Tổ chức chương trình thử nghiệm liên phòng cho mạng lưới quan trắc môi trường.
2.5.Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án Xây dựng Phòng thí nghiệm Dioxin phục vụ công tác nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học Dioxin
1. Tăng cường năng lực trang thiết bị và đào tạo cán bộ phân tích cho Phòng thí nghiệm dioxin:
- Thực hiện mua sắm thiết bị nhỏ và đấu thầu 2 gói thầu cung cấp thiết bị phân tích dioxin và thiết bị phân tích các độc chất môi trường khác (thiết bị gồm máy sắc ký khí khối phổ phân giải cao, máy sắc ký khí khối phổ hai lần, sắc ký lỏng khối phổ 2 lần)
- Tiến hành các hoạt động đào tạo thông qua thử nghiệm và chuẩn hóa phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm dioxin và gửi cán bộ đi đào tạo tại các phòng thí nghiệm có uy tín trên thế giới; Tiến hành phân tích kiểm tra chéo với các phòng thí nghiệm có uy tién trên thế giới.
2. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, từng bước xây dựng và củng cố vai trò của phòng thí nghiệm dioxin trong các hoạt động quốc tế liên quan đến đánh giá ô nhiễm dioxin và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)
- Tham gia với UNEP trong việc xây dựng dự án tăng cường năng lực phân tích đánh giá ô nhiễm POP tại khu vực Đông Nam Á
- Tham gia cùng UNIDO trong dự án trình diễn giảm phát thải U-POP trong các hoạt động công nghiệp
- Tham gia cùng Trung tâm Vệ sinh Môi trường Nhật Bản (Bộ Môi trường Nhật Bản) triển khai quan trắc POP tần suất cao trong không khí nền tại Tam Đảo nhằm đánh giá hiệu quả triển khai Công ước Stockholm tại Việt Nam và trong khu vực.
2.6.Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Tổng cục Môi trường
1. Xây dựng hệ thống Trạm quan trắc tự động sông Thị Vải: Hoàn thiện dự án trình Bộ TNMT phê duyệt để có thể triển khai trong năm 2011.
2. Tư vấn xây dựng Trung tâm quan trắc cho tỉnh Đắc Nông và tỉnh Lâm Đồng: Hoàn thiện nội dung và dự toán dự án để Sở TNMT Lâm Đồng, Đăk Nông trình UBND phê duyệt.
3. Xây dựng Trạm quan trắc không khí tự động cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trình Bộ TNMT phê duyệt bổ sung trạm quan trắc không khí tự động khu vực Lăng và quảng trường Ba Đình vào dự án “Tăng cường thiết bị không khí và nước” để đầu tư vào năm 2011. |