Tiến sĩ Joost Philipa kiểm tra tình hình sức khỏe của gấu. (Ảnh: Xuân Tùng/Vietnam+)
Hơn 80 con gấu chết trong vòng một năm (chủ yếu là gấu ngựa, loài động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới), số còn lại thì suy dinh dưỡng nghiêm trọng, bệnh tật và đang bị bỏ đói là thực trạng đáng báo động tại các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh.
Trong khi đó, công tác quản lý và vấn đề bảo tồn loại động vật quý hiếm này đang có nhiều nghịch lý.
Gấu chết vì... bị bỏ đói
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, riêng trong năm 2014, số lượng gấu chết trên toàn tỉnh là trên 80 cá thể.
Cùng với đó, những đánh giá và con số đáng báo động được đưa ra trong báo cáo đánh giá sức khỏe gấu khu vực thành phố Hạ Long, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) của Tổ chức Động vật châu Á cho thấy toàn bộ số gấu tại ba trại nuôi gấu qua kiểm tra đều trong tình trạng suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng.
Theo thang mức đánh giá sức khỏe từ 0-5, số gấu đã kiểm tra trung bình chỉ đạt chỉ số 1,1 (0 là suy dinh dưỡng nghiêm trọng, 5 là béo phì); chỉ có 16,7% tổng số gấu đạt mức 3 điểm - mức chấp nhận được về tình trạng dinh dưỡng.
100% gấu bị sừng hóa ở các lòng bàn chân bàn tay; 77% gấu có vết thương trên cơ thể; 58,3% gấu có biểu hiện bất ổn về tâm lý; 37,5% gấu bị vấn đề về răng; 16,7% gấu bị cụt ít nhất một chi...
Tiến sỹ Joost Philipa, bác sỹ thú y cao cấp Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam trực tiếp kiểm tra tình hình sức khỏe của gấu, đánh giá: “Các kết quả này cho thấy điều kiện sống tồi tệ của các cá thể gấu bị nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Phương pháp chăn nuôi không phù hợp, gấu hoàn toàn bị nuôi nhốt trong các lồng sắt chật chội. Gấu ở một số trại rõ ràng đã bị bỏ đói trầm trọng. Gấu bị suy dinh dưỡng nặng, căng thẳng, bị suy giảm hệ miễn dịch và nhiều bệnh về tiêu hóa.”
Xót xa thay khi chỉ vài năm trước đây, chính những con gấu này đã mang lại nguồn thu lớn cho chủ nuôi từ việc cho khách du lịch vào tham quan và hút mật gấu.
Từ năm 2006 ở Quảng Ninh, các chủ nuôi gấu rộ lên phong trào vận chuyển trái phép gấu từ các tỉnh khác về làm tăng đột biến số lượng gấu nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh.
Vào giai đoạn cao điểm nhất tại Quảng Ninh có đến 365 cá thể gấu nhưng hiện tại số lượng đã giảm đi đáng kể, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 81 cá thể gấu, tại 14 cơ sở nuôi nhốt tư nhân.
Ông Nguyễn Trọng Bờ, chủ trang trại gấu tại phường Đại Yên (thành phố Hạ Long) cho biết nuôi gấu trước đây trừ mọi chi phí cũng kiếm được vài chục nghìn đồng/ngày/con nên có kinh phí để chăm cho lũ gấu. Tuy nhiên hiện nay, các cơ quan chức năng cấm tổ chức du lịch tham quan, chích hút mật gấu nên không còn nguồn thu. Giờ không chỉ lũ gấu chết đói, mà các chủ nuôi cũng đang “chết” vì nợ nần.
Theo anh Phùng Văn Hải, một chủ trại từng nuôi gấu tại phường Hà Khẩu (thành phố Hạ Long) nhưng nay đang phải chuyển đi vì không kham nổi chi phí, cho biết nếu trước khẩu phần ăn cho gấu là năm phần thì khi không còn nguồn thu chỉ đủ trang trải một phần.
Trước kia chi phí cho mỗi con gấu lên đến khoảng 100.000 đồng/ngày, khi không còn nguồn thu chỉ có thể cho gấu ăn cháo loãng, rau củ quả để cầm hơi.
Càng quản lý tốt, gấu càng chết nhiều
Trong khi hiện trạng gấu vẫn đang chết dần chết mòn lại tồn tại nghịch lý là nếu làm tốt công tác quản lý thì việc bảo tồn lại khó.
Lý giải về mâu thuẫn này, ông Mạc Văn Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, cho biết những năm trước đây, công tác quản lý gấu nuôi nhốt chưa được chặt chẽ, đồng nhất, chế tài xử phạt hành vi chích hút mật gấu chưa cụ thể, các chủ nuôi gấu lén lút hút chích, mua bán mật gấu trái phép vì vậy vẫn có nguồn thu, điều kiện kinh tế chăm sóc gấu tốt hơn.
Thời gian gần đây, do có sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nên việc các đoàn khách lữ hành lợi dụng tham quan mua mật gấu trái phép đã được ngăn chặn, vì vậy chủ gấu không có nguồn thu để chi cho việc chăm sóc nuôi dưỡng gấu.
Qua kiểm tra cho thấy hiện chi phí khẩu phần ăn hàng ngày cho gấu tại các trại tư nhân chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/cá thể gấu. Với lượng thức ăn ít ỏi này, gấu hầu hết bị suy dinh dưỡng nặng, số lượng gấu chết ngày càng tăng.
Ông Mạc Văn Xuyên chia sẻ các cơ quan chức năng cũng không khỏi xót xa về nghịch lý này, tuy nhiên trên thực tế việc bảo tồn vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ trại gấu.
Hiện toàn bộ số gấu nuôi trên địa bàn tỉnh đã được gắn chíp điện tử, có hồ sơ quản lý và được giao cho các chủ nuôi gấu nuôi hết vòng đời của chúng.
Nhưng việc nuôi gấu như thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ trại gấu. Cơ quan chức năng chỉ xử lý khi chủ nuôi vi phạm các quy định về việc chích hút, kinh doanh mật gấu, buôn bán gấu.
Một vướng mắc lớn nữa đối với các cơ quan quản lý là chủ nuôi dù không có điều kiện để nuôi nhưng không chịu giao lại gấu cho các trung tâm bảo tồn động vật hoang dã mà đòi phải bồi thường. Các chủ nuôi đã bỏ ra một khoản đầu tư lớn để mua gấu nên không chịu mất không gấu.
Nhiều chủ trại gấu cũng cho biết hiện họ đang rơi vào tình trạng “nuôi không được mà thanh lý, chuyển giao cũng không xong.”
Theo anh Phùng Văn Hải, việc nuôi gấu không còn đem lại nguồn thu, người nuôi đang ôm nợ nhưng muốn thanh lý cũng không được do toàn bộ số gấu đã được kiểm lâm gắn chip để theo dõi, quản lý. Vì thế, người nuôi chuyển sang đề nghị được chuyển giao lại cho Nhà nước hoặc các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã với điều kiện hỗ trợ ít tiền vốn đã bỏ ra mua gấu.
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi không thể trả tiền cho chủ nuôi để nhận gấu về trung tâm cứu hộ vì gấu là động vật hoang dã, quý hiếm và Nhà nước không công nhận quyền sở hữu gấu, các chủ nuôi không thể ra giá bồi thường được. Gấu ở các trang trại tư nhân đã bị khai thác quá nhiều rồi. Tôi nghĩ các chủ trại gấu hiện không đủ điều kiện nuôi nên tự nguyện giao nộp gấu về các trung tâm cứu hộ, bảo tồn để giữ lại được đàn gấu. Tình hình hiện tại là rất tồi tệ. Nếu không có những biện pháp kịp thời, số gấu còn lại ở Quảng Ninh sẽ không trụ lại lâu được.”
Đã có nhiều cuộc họp để tìm lối ra cho những con gấu còn lại của Quảng Ninh nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào đột phá.
Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đang đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, Cục Kiểm lâm có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có phương án di chuyển toàn bộ số gấu nuôi tại địa bàn tỉnh đến các trung tâm cứu hộ đủ điều kiện tiếp nhận và có cơ chế tài chính hợp lý cho các chủ nuôi, nhằm cứu hộ bảo tồn số gấu còn lại, tránh tình trạng gấu tiếp tục chết dần chết mòn.
TTXVN |