Cần thống nhất cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học thống nhất trên cả nước là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học được thiết lập ở các khu vực Vườn quốc gia hay khu Bảo tồn trong thời gian gần đây vẫn còn tản mạn và chưa được thống nhất về nội dung cũng như chuẩn hóa dữ liệu.
Vì vậy, để thiết lập được cơ sở dữ liệu thống nhất, các cơ qan ban ngành từ Trung ương đến địa phương thì việc phối hợp, chia sẻ thông tin từ phía Nhật Bản là một trong những yếu tố cốt lõi, góp phần nâng cao công tác quản lý đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp ủy ban điều phối "Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia" diễn ra chiều 27/1, tại Hà Nội.
Cuộc họp do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Thông tin thêm về dự án, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia do JICA tài trợ từ năm 2011 đến tháng 3/2015. Đến nay, dự án cơ bản đã kết thúc thành công và các sản phẩm của dự án đã được hoàn thiện.
Cụ thể, dự án đã tạo ra được các sản phẩm nổi bật như: Kiến trúc cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; đề án phát triển cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; phát triển bộ chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học quốc gia và cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), hướng dẫn quan trắc đất ngập nước…
Theo bà Nhàn, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia là việc làm rất quan trọng, góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, cũng như triển khai cụ thể các văn bản quy phạp pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi cả nước.
"Tuy nhiên đây mới chỉ là 'viên gạch đầu tiên' trong quá trình xây dựng 'nền móng' cơ sở dữ liệu, nên chưa thể phục vụ được cho đất nước như mong đợi,” bà Nhàn nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cũng cho biết, mặc dù cơ sở dữ liệu ở nước ta đã được thiết lập nhưng để áp dụng thì cần phải có lộ trình và dự án phải được Chính phủ phê duyệt, thông qua, cũng như cần tiếp tục thử nghiệm tại các địa phương.
Về phía đơn vị tài trợ, ông Fumihiko Okiura, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam, cho rằng xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia là việc làm cần được quan tâm triển khai. Tuy nhiên, cở sở dữ liệu hiện mới chỉ dừng lại ở thế hệ 1 (quá trình tiếp cận) nên dự án sẽ khó thành công nếu không có sự nỗ lực của các bên có liên quan.
“Với dự án này, chúng tôi đã đưa ra cơ sở dữ liệu khá khái quát. Việc còn lại là các cơ quan triển khai dự án của Việt Nam cần phải tận dụng tối đa những kết quả đã có cũng như mục tiêu mà dự án đã đề ra, sau đó hãy tính đến sự hỗ trợ tiếp theo từ phía JICA,” ông Fumihiko Okiura lưu ý.
HÙNG VÕ (VIETNAM+)
|