Cảnh báo ô nhiễm biển từ tàu biển

09/02/2015 11:38:17 SA

Môi trường biển bị ô nhiễm nặng do chất thải từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chất thải sinh hoạt…, song tác động ô nhiễm dầu do vận tải hàng hải, đóng tàu, cảng biển… cần cảnh báo để giảm thiểu mạnh mẽ hơn.

Đáy biển là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật

Đáy biển là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật

Ô nhiễm dầu tăng cao…

Ô nhiễm dầu và dầu tràn dù nồng độ dầu trong nước chỉ 0,1mg/l cũng có thể gây chết các loài sinh vật phù du và ảnh hưởng lớn đến con non và ấu trùng của các sinh vật đáy biển. Song vùng nước biển ven bờ Hải Phòng có nồng độ dầu trong nước thường xuyên vượt giới hạn cho phép tới 100-300%. Báo cáo mới đây của Sở TN&MT Hải Phòng cho thấy, khu vực có hàm lượng dầu cao là  mặt nước khu vực cảng Hải Phòng có độ nhiễm dầu từ 0,3-0,6mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép. Vùng ven bờ quận Hải An, huyện Kiến Thụy, hàm lượng dầu trung bình khoảng 0,6mg/l. Cửa sông Bạch Đằng nồng độ dầu có xu hướng tăng cao, đặc biệt là khu vực Sở Dầu.

Đó chỉ là ô nhiễm biển ở một địa phương có cảng biển lớn, nơi phần lớn các loại tàu cá, tàu du lịch, tàu quân sự thường xuyên rửa tàu, xả thải dầu máy, nước dằn tàu, xả trực tiếp nước thải lẫn dầu xuống biển. Hầu hết các loại tàu đều không có thiết bị thu gom và xử lý nước thải lẫn dầu, trong khi theo công ước Marpol đối với tàu bè ra vào cảng, phải cấm tất cả các tàu thải nước thải xuống vùng nước của cảng.

…từ mặt đến đáy biển

Nhìn toàn quốc, khoảng gần 4 triệu tấn nhiên liệu xăng dầu của trên 1.700 tàu vận tải và khoảng 130.000 tàu cá tiêu thụ/năm ở ta chính là nguồn gây ra ô nhiễm cho vùng biển, ven biển và nhiều nơi, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Riêng tỉnh Bình Định hiện có gần 7.000 tàu thuyền, trong đó 2.500 tàu đánh bắt xa bờ. Việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ sẽ giúp ngư dân 28 địa phương ven biển từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, khai thác thế mạnh của nghề câu cá ngừ đại dương để làm giàu từ biển. Song công nghệ đóng tàu biển, dù tàu cá hay tàu hàng, cũng cần đổi mới theo tiêu chuẩn hàng hải xanh mới, giảm phát thải động cơ – máy tàu, lò đốt rác, lại ít được nói tới.

Quy trình công nghệ đóng tàu hiện nay, nhiên liệu xăng dầu sử dụng khá nhiều, gây ra lượng dầu thải tương đối lớn trong các công đoạn thi công. Tất cả các chất thải gây ô nhiễm chủ yếu cho vùng nước mặt biển ven bờ, ô nhiễm dầu và ô nhiễm kim loại nặng trầm tích tại các khu vực có nhà máy đóng tàu và bến tàu. Chúng làm thay đổi tính chất hóa lý của nước biển, tác động xấu tới động thực vật và thủy sinh biển, cả việc làm muối, nuôi trồng thủy sản và du lịch biển.

Đổi mới công nghệ đóng tàu biển cần áp dụng lắp đặt các các trang thiết bị tiên tiến, nhất là thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm trên tàu, mới giảm thiểu được ô nhiễm do các hoạt động hàng hải và đóng tàu gây ra. 

Cần kiểm soát khí thải biển

Giảm khí thải độc ra biển để hạn chế tác động a xít hóa đại dương là vấn đề thời sự toàn cầu. Theo các báo cáo khoa học mới đây, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra những tác hại nghiêm trọng như nắng nóng, mưa lớn, axit hóa đại dương và làm tăng mực nước biển. Axit hóa đại dương là hiện tượng giảm nồng độ pH liên tục trong các đại dương trên Trái Đất do sự hấp thu khí CO2 do tác động của con người thải ra khí quyển.

Ở ta, các phương tiện tàu biển – nhất là tàu quá cũ, lạc hậu phát thải nhiều khí độc do hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải…, đang là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường biển. Việt Nam cần có các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chuẩn về giảm thiểu phát thải khí thải, đặc biệt khí thải nhà kính, đối với các tàu cá và tàu vận tải, mới có thể kiểm soát tốt khí thải từ tàu trong hoạt động hàng hải.

Vùng kiểm soát khí thải cần được nghiên cứu, xây dựng, thiết lập thiết lập tại các khu vực hải cảng gần khu biển có giá trị đặc biệt về môi trường sinh thái, như Quảng Ninh – Hải Phòng, Vũng Tàu-TP.HCM. Ở đó mọi tàu biển cỡ lớn có lượng khí thải ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ hạn chế không được cập cảng, hoặc theo chế độ hoa tiêu đặc biệt. Chính sách đánh thuế thu phí khí thải tàu biển cũng nên ban hành. Cần quy trách nhiệm đối với chủ nguồn thải, để cấp phép hoạt động tiến tới cấp chứng chỉ con tàu sinh thái, cảng biển, doanh nghiệp sinh thái.

Theo Kim Vũ/Đại Đoàn Kết

Bản in