Sông Trường Giang ô nhiễm nghiêm trọng

09/02/2015 11:57:05 SA

Nhiều hộ dân ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nuôi tôm, xả thải trực tiếp ra sông Trường Giang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Từ năm 2013 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng tăng cao, người dân ven biển của tỉnh Quảng Nam đổ xô đào ao nuôi tôm. Nhờ vào con tôm, nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. Cùng với đó, mỗi ngày nước thải từ hàng ngàn ao tôm xả thẳng ra môi trường.


Mạnh ai nấy xả


Ven đường Thanh Niên đi qua các huyện Thăng Bình, Núi Thành của tỉnh Quảng Nam, tiếng máy nổ từ các ao tôm phát liên hồi. Người dân cho biết trước đây để phục vụ cho việc nuôi tôm, người nuôi bơm nước từ biển vào hồ nuôi. Sau 3-4 ngày, lượng nước trong hồ cùng các loại hóa chất và các chất cặn bã trong thức ăn của tôm được xả thẳng trở lại biển. Sau khi hòa vào biển lại được bơm trở lại ao tôm khiến tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Từ đó, người dân chọn cách đưa nguồn nước thải từ ao tôm ra thẳng sông Trường Giang.


Nước[-]thải[-]từ[-]các[-]ao[-]tôm[-]theo[-]đường[-]ống[-]thải[-]trực[-]tiếp[-]ra[-]sông[-]Trường[-]Giang

Nước thải từ các ao tôm theo đường ống thải trực tiếp ra sông Trường Giang

 

Đi dọc sông Trường Giang, chúng tôi nhìn thấy hàng ngàn đường ống ngổn ngang, dẫn nước thải từ các ao tôm hòa vào dòng nước, khiến dòng chảy bị nhuốm một màu đen kịt. “Trước đây, nguồn nước của sông Trường Giang rất trong, người dân lấy nước từ sông này để phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Những năm gần đây, nước sông đục ngầu, lượng cá giảm rõ rệt, có lúc cá chết nổi trắng cả sông. Nếu cứ tiếp tục bị đầu độc như thế này, một ngày không xa, sông Trường Giang rồi cũng chết” - ông Lê Văn Hiến (ngụ thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) lo ngại.


Khi được hỏi, những người nuôi tôm đều thừa nhận biết chất thải từ ao tôm sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng vì lợi ích kinh tế và do không được hướng dẫn cách xử lý nước thải nên mạnh ai nấy xả. Ông Ngô Đình Anh (72 tuổi, ngụ thôn Hà Quang) thật thà cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi 4 ao tôm với diện tích hơn 1 ha. Ô nhiễm thì biết đó nhưng mình chưa thấy ai bị chi cả. Ai cũng đổ xô nuôi tôm, mình không nuôi thì lấy chi mà sống?”.


Chưa có giải pháp hữu hiệu


Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, thừa nhận không chỉ riêng xã Tam Tiến, đa số người nuôi tôm ở các xã ven biển của huyện Núi Thành và Thăng Bình đều xả nước thải từ ao tôm ra sông Trường Giang khiến sông bị ô nhiễm ở mức đáng báo động. Riêng xã Tam Tiến đã có gần 300 hộ thả nuôi cả ngàn ao tôm. Việc xả thải trực tiếp ra ngoài không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. “Chất thải từ ao tôm chắc chắn sẽ thấm xuống đất, người dân địa phương chính là người sử dụng và ảnh hưởng đầu tiên” - ông Giúp nhìn nhận.


Theo ông Giúp, để giải quyết vấn đề nuôi tôm tràn lan, xả nước thải bừa bãi ra môi trường và nhất là ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để nuôi tôm, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch tạm thời cho xã Tam Tiến vùng nuôi tôm rộng 15 ha tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay vùng quy hoạch này vẫn chưa được địa phương triển khai thực hiện do nằm trong khu vực mới, không có phần diện tích nào trong vùng đã và đang sử dụng.


Muốn phá bỏ hết diện tích ao hồ nuôi tôm cũ để vào sản xuất tại vùng nuôi tôm tạm thời sẽ gây khó khăn cho người dân vì họ đã đầu tư nhiều tiền của nhưng chưa thu được lợi nhuận do gần đây giá tôm chững lại. Hơn nữa, vùng quy hoạch tạm thời chỉ có 15 ha, trong khi vùng nuôi hiện tại đến 25,8 ha, vì thế việc vận động đưa bà con ra vùng nuôi tôm tạm thời rất khó khăn.


Trước những bất cập trên, địa phương đang có kế hoạch loại bỏ dần và “du di” cho người dân nuôi tôm đến năm 2015 để thu hồi vốn.

  Xây bể xử lý nước thải


Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho biết trước thực tế nuôi tôm trên cát phát triển ồ ạt, đe dọa đến cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm ở vùng cát ven biển tỉnh Quảng Nam. Theo đó, 2 huyện có diện tích nuôi tôm trên cát nhiều nhất là Thăng Bình và Núi Thành được quy hoạch vùng nuôi tôm tạm thời đến năm 2018 là 285 ha. Tuy nhiên, khi đưa vào thực hiện quy hoạch thì gặp một số khó khăn, bất cập.


“Trước mắt, để giải quyết vấn đề ô nhiêm môi trường đối với những vùng người dân đang nuôi tôm, các huyện đang lên phương án xây dựng bể lắng lọc để xử lý nguồn nước thải từ các ao tôm” - bà Tâm cho biết.

Bài và ảnh: QUANG VINH/NLĐ
Bản in