Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước dưới đất chưa phù hợp, chưa đúng quy trình, làm hạ thấp mực nước ngầm, giảm trữ lượng, chất lượng nước ngầm. Để bảo vệ tài nguyên nước ngầm, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều đề án, dự án, quy hoạch được lập và phê duyệt liên quan đến tài nguyên nước dưới đất
Có 2 đơn vị là huyện Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên đã lập quy hoạch tài nguyên nước dưới đất. Kết quả quy hoạch đã phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước dưới đất. Để đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước về tài nguyên nước dưới đất, việc lập quy hoạch đối với các huyện, thành phố còn lại rất quan trọng. Vì vậy cuối năm 2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn 7 huyện, thành phố là: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Dựa trên kết quả tính toán, điều tra, khảo sát của dự án này và dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước Vùng thủ đô Hà Nội” đã xác định tổng trữ lượng tiềm năng khai thác nước dưới đất của toàn vùng quy hoạch là 410.908 m3/ngày đêm. Trong đó: Trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của huyện Yên Lạc là 143.160 m3/ngày đêm; Vĩnh Tường: 46.283 m3/ngày đêm; thành phố Vĩnh Yên: 32.074 m3/ngày đêm; Lập Thạch: 69.304 m3/ngày đêm; Sông Lô: 47.158 m3/ngày đêm; Tam Dương: 56.217 m3/ngày đêm và Tam Đảo: 16.712 m3/ngày đêm.
Như vậy, hiện nay trữ lượng nước có thể khai tác trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc là khoảng hơn 74.000 m3/ngày đêm, chiếm 18% trữ lượng khai thác tiềm năng. Trong đó, khai thác và sử dụng nước dưới đất tập trung chủ yếu tại khu vực các đô thị với tổng công suất khai thác theo thiết kế tại 6 trạm cấp nước tập trung là 54.600 m3/ ngày đêm.
Tại các khu vực nông thôn, hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất chủ yếu từ các trạm cấp nước tập trung khu dân cư và quy mô hộ gia đình bằng các giếng khoan và giếng đào. Với tổng số 42 trạm cấp nước tập trung khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất hiện nay tại khu vực nông thôn là 1.961 m3/ngđ; và với tổng số 79.684 giếng khoan, 72.855 giếng đào thì tổng công suất khai thác nước dưới đất tại hộ gia đình là 52.361 m3/ ngày đêm.
Quy hoạch cũng đã đưa ra những dự báo nhu cầu sử dụng nước đến các năm 2015, 2020 và 2030 của 7 huyện, thành phố trên địa bàn Vĩnh Phúc. Đồng thời đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu nước cho các mục đích sử dụng nước tại các địa phương này. Kết quả khảo sát cho thấy, đến năm 2015, nguồn nước dưới đất của tỉnh đáp ứng được 16% nhu cầu sử dụng, năm 2020 đáp ứng được 15% và năm 2030 đáp ứng được 14%.
Tuy nhiên nguồn nước dưới lòng đất ở Vĩnh Phúc phân bố không đều theo cả không gian, thời gian và rất hạn chế về trữ lượng. Do vậy, trong những năm tới, nước dưới lòng đất chỉ có thể đáp ứng cho mục đích sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Cụ thể, đến năm 2015, nước dưới lòng đất đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng; năm 2020, đáp ứng được 78% nhu cầu sử dụng và đến năm 2030 đáp ứng 47% nhu cầu sử dụng. Để quy hoạch bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất trên phạm vi 7 huyện, thành phố; dự án đã tiến hành phân tích hiện trạng ô nhiễm chất lượng nước dưới đất và đặc điểm cấu trúc địa chất để đánh giá trạng thái bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, tính toán trị số hạ thấp mực nước cho phép của từng tầng chứa nước tại các khu vực đã có công trình thăm dò, đánh giá trữ lượng, từ đó làm cơ sở định hướng bảo vệ tài nguyên này.
Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới lòng đất được đưa ra như: Xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước dưới đất; xây dựng mạng lưới giám sát tài nguyên nước dưới đất; khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Song song với đó, trách nhiệm của các ngành liên quan, chính quyền các địa phương cũng cần được nâng cao: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến mọi tổ chức, cá nhân, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm. Kịp thời hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, cấp phép về tài nguyên nước. Tăng cường các biện pháp quản lý, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả các công trình khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước thông qua các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải, nguồn gây ô nhiễm. Áp dụng khoa học công nghệ trong việc xử lý, thu gom rác thải, chất thải, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường...
Việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có tài nguyên nước dưới đất sẽ trở thành một trong những vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bùi Vân/monre.gov.vn
|