Điều tra, quản lý hiệu quả tài nguyên nước trên các đảo

10/02/2015 8:39:51 SA





Nước ta có tổng số trên 3.000 đảo và quần đảo. Hầu hết trên các đảo đều có dân sinh sống. Một số đảo và quần đảo lượng dân cư rất đông. Vì vậy việc điểu tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên nước trên các đảo, quần đảo là vô cùng cần thiết.









Tài nguyên nước trên các đảo 

Ngoài lượng nước mưa, trên các đảo còn có các sông suối, ao, đầm nước ngọt. Đây là nguồn nước quan trọng cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất trên đảo trong mùa khô như Ao Ẽch (Cát Bà), Quang Trung, Mường Sấu (Côn Đảo), Vũng Bầu, Cửa Cạn (Phú Quốc) ... Các nguồn nước chủ yếu ở đảo được quan tâm là nước mưa, nước mặt (các sông, suối, ao, hồ) và nước dưới đất. 
Theo tài liệu quan trắc ở các trạm khí tượng trên đảo, lượng mưa năm ở các đảo thay đổi trong khoảng 1126 mm đến 3067 mm, nhưng phân bố rất không đều theo thời gian. Các đảo ở phía Bắc và phía Nam có lượng mưa cao (trên 2000mmm) như Cửa Ông 2250mm; Côn Đảo 2095mm. Một số đảo có lượng mưa khá nhỏ là Hòn Dấu 1495mm; Bạch Long Vĩ 1126mm; Phú Quý 1199mm. Lượng mưa tại Trường Sa là 2510mm và tại Phú Quốc đạt đến 3067mm. Thời gian mùa mưa ở các đảo cũng khác nhau, tùy theo vị trí địa lý của các đảo. 
Trên các đảo ở phần phía Bắc và phía Nam, mùa mưa kéo dài khoảng 6 tháng, từ tháng 5 - 10, trong đó lượng mưa tháng 8 là lớn nhất, chiếm 20 -25% lượng mưa cả năm. Riêng đảo Bạch Long Vĩ nằm khá xa bờ, thời gian mùa mưa chỉ kéo dài 5 tháng từ tháng 6 - 10. Các đảo ở khu vực miền Trung (Hòn Ngư, Phú Quý) có mùa mưa kéo dài từ tháng 5 - 11. Song tháng 7 là thời gian có lượng mưa giảm rõ rệt, làm cho quá trình mưa trong năm gồm hai đỉnh: Đỉnh thấp xuất hiện ở tháng đầu mùa (tháng 5 hoặc tháng 6) và đỉnh cao xuất hiện vào tháng 9 (hoặc 10), với lượng mưa chiếm 18 - 20% lượng mưa năm. 
Khu vực quần đảo Trường Sa thời gian mùa mưa kéo dài từ tháng 6 - 12, thậm chí đến tháng 1 năm sau, do đó lượng mưa mùa mưa chiếm đến 90% lượng mưa năm. Ở Côn Đảo và Phú Quốc, mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 (hoặc tháng 5) và kết thúc vào tháng 11, nên lượng mưa trong mùa mưa cũng chiếm hơn 90% lượng mưa trong năm. Tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 8 (hoặc tháng 9) với lượng mưa chiếm khoảng 16% năm. 
Tuy nhiên, nhiều đảo có diện tích quá nhỏ nên không tồn tại sông suối, mùa khô hanh kéo dài; nếu không có biện pháp trữ nước mưa thì thiếu nước sinh hoạt là điều khó tránh khỏi. 
Cần thiết đánh giá tài nguyên nước
Trên những hòn đảo tương đối lớn, có thảm thực vật che phủ, lượng nước ngầm đáng kể, bảo đảm cho các sông suối có nước chảy quanh năm dù với lưu lượng rất nhỏ, chỉ từ 1 - 5 l/s. Hơn nữa, do không có trạm thủy văn đảo hoặc các cuộc khảo sát chi tiết nguồn nước mặt trên các đảo, vì vậy khó có thể đánh giá đầy đủ nguồn nước mặt trên các đảo. Trên thực tế, sông Dương Đông ở Phú Quốc có thể xem như một dòng sông đáng kể nhất trên các hòn đảo ở nước ta. 
Việc phát triển kinh tế đảo gắn liền với các hoạt động khai thác nguồn nước bao gồm cả 3 dạng (nước mưa, nước mặt trong các sông suối và nước dưới đất). Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là du lịch, đem lại sự tăng trưởng đáng kể cho ngân sách ở Cát Bà, Tuần Châu, Phú Quốc...nhưng cũng bộc lộ những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất. Vì vậy, để bảo đảm việc khai thác nước đáp ứng nhu cầu, đồng thời bảo vệ môi trường nước nói riêng và môi trường nói chung, cần phải tiến hành các hoạt động quản lý một cách hiệu quả. 
Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, những hoạt động chủ yếu là thiết lập hệ thống quan trắc lượng mưa, nước sông suối và động thái nước dưới đất ở những hòn đảo có dân cư và có thể đưa dân cư ra cũng như các đảo có khả năng phát triển kinh tế trong thời gian không xa. Trước mắt cần nhanh chóng xây dựng trạm đo mưa (hoặc trạm khí tượng) tại đảo Cù Lao Chàm, đồng thời xây dựng trạm thủy văn, quan trắc lưu lượng trên sông suối tại các đảo như Cái Bàu, Cát Bà, Phú Quốc. 
Trên những dòng sông có nước chảy quanh năm có thể tiến hành đo thường xuyên. Ở những dòng sông chỉ có nước trong mùa mưa, bố trí đo đạc trong mùa giai đoạn có nước chảy và cần xác định được khoảng thời gian có nước chảy trong năm (thời điểm bắt đầu và kết thúc dòng chảy). Cần xác định mức độ và phạm vi ảnh hưởng của thủy triều biển cũng như tình hình xâm nhập nước mặn. Tiến hành khoan thăm dò nước dưới đất ở các đảo, chú ý các đảo không có sông suối. Đánh giá tiềm năng các nguồn nước trên các đảo và khả năng khai thác chúng thông qua phân tích, tính toán từ các số liệu quan trắc và khảo sát thu được. 
Lập quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên các đảo trong mối tương quan với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên các đảo hoặc cụm đảo có tiềm năng, bảo đảm sự phát triển bền vững. Nước có vai trò thiết yếu đối với đời sống con người và mọi hoạt động kinh tế. Nhưng nguồn nước ngọt trên các đảo nói chung rất hạn chế, dễ bị cạn kiệt và ô nhiễm, trước hết là nguy cơ nhiễm mặn đối với cả nước mặt và nước dưới đất nếu như lưu lượng khai thác lớn hơn khả năng phục hồi. 
Chính vì vậy, phải tiến hành quy hoạch nguồn nước nhằm xác định nguồn nước giới hạn có thể đáp ứng nhu cầu của các hoạt động kinh tế chủ yếu mà không gây suy thoái, từ đó lập tổng sơ đồ khai thác tài nguyên nước cho mỗi đảo riêng biệt. Trong đó cần quan tâm khai thác triệt để nguồn nước mưa, bao gồm cả các biện pháp trữ nước để sử dụng trong mùa khô. Quy hoạch phát triển các ngành liên quan đến nhu cầu cấp nước phải phù hợp với quy hoạch này. Trên quan điểm đó, việc quy hoạch nguồn nước được xây dựng trên cơ sở xem xét các quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch khai thác, phát triển, bảo vệ rừng ở trên đảo.

Khánh Anh/monre.gov.vn
Bản in