Biến đổi khí hậu trên Trái Đất do khí thải từ nhà máy. (Nguồn: Guardianlv)
Các nhà đàm phán Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 14/2 đã thông qua kế hoạch chi tiết về chống biến đổi khí hậu, một bước ngoặt biểu tượng trong quá trình đàm phán đầy đủ của Liên hợp quốc hướng tới việc ký kết một hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu vào tháng 12 năm nay.
Sau vòng đàm phán kéo dài 6 ngày (từ ngày 8/2 đến 13/2), bản dự thảo kế hoạch chi tiết đã được thông qua trong tiếng vỗ tay của đại diện các nước tham gia.
Bản dự thảo dài 68 trang với nhiều sáng kiến hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu đã nhận được sự hoan nghênh từ các bên đàm phán và giới quan sát, được đánh giá là một bước quan trọng nhằm xây dựng lòng tin. Đây còn là tia hy vọng hiếm hoi đạt được nhờ việc xúc tiến các quyết định khó khăn hướng tới một thỏa thuận toàn cầu mới.
Thư ký điều hành Hội nghị bộ trưởng các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Christiana Figueres nhấn mạnh hiện các bên đã có một văn bản đàm phán chính thức, trong đó đề cập chi tiết các quan điểm và mối quan tâm của tất cả các quốc gia.
Văn bản này được xây dựng hoàn toàn minh bạch, theo đó giúp các nước nhận thức đầy đủ về vị trí của nhau trong kế hoạch toàn cầu. Bản kế hoạch này sẽ là đường hướng cho các cuộc đàm phán trong những tháng tới, tiến đến việc ký kết thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-21) được tổ chức tại thủ đô Paris, Pháp, vào cuối năm nay.
Thỏa thuận mới đang rất được kỳ vọng tại Pháp này sẽ thay thế cho Nghị định thư Kyoto, hết hạn vào năm 2020.
Để được các nước ký kết, thỏa thuận mới phải có hiệu lực từ năm 2020 với nội dung thúc đẩy mục tiêu của Liên hợp quốc về hạn chế khí hậu toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước tham gia phải trình cam kết cắt giảm khí thải trước Hội nghị Paris vài tháng.
Các nhà khoa học cảnh báo với tốc độ thải khí điôxít cácbon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, Trái Đất sẽ ngày càng nóng lên và con người sẽ đứng trước các thảm họa lụt, bão, hạn hán và nước biển dâng cao.
Theo Tổ chức Khí tượng học Thế giới, năm 2014 là năm nóng kỷ lục, một phần do Trái Đất tiếp tục nóng lên.
Năm ngoái, Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-20) bế mạc tại Lima của Peru đã đạt được một thỏa thuận khung, theo đó 190 nước tham gia UNFCC phải thông qua các chương trình quốc gia nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính cho tới thời hạn không chính thức là ngày 31/5 tới.
Trong khi đó, các nước tham gia đàm phán vẫn luôn bất đồng về cách thức chống biến đổi khí hậu, chủ yếu liên quan hạn ngạch khí thải CO2 của các nước giàu, cũng như cách thức đảm bảo và đánh giá cam kết tập thể đối với mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất nóng lên.
TTXVN |