Thủy điện: Thách thức đáng lo nhất với việc bảo tồn đa dạng sinh học

02/03/2015 11:47:53 SA

Những năm gần đây, tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã tác động xấu đến việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam; trong đó, sự “bành trướng” của các nhà máy thủy điện là một trong những thách thức đáng lo nhất đối với công tác bảo tồn.

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh vật. (Ảnh: ENV)

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh vật. (Ảnh: ENV)

Theo báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực hiện Công ước đa dạng sinh học giai đoạn 2009-2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được công bố vào cuối năm 2014, việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi đã trực tiếp gây ra sự suy thoái, làm mất các sinh cảnh tự nhiên, gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài tới sự sống còn của các quần thể động vật hoang dã.

Về công trình thủy điện, tính đến nay, cả nước có hơn 800 đập thủy điện nằm trong quy hoạch. Về vấn đề này, phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng việc xây dựng nhiều thủy điện đã làm mất các khu rừng tự nhiên, chia cắt dòng chảy.

Trường hợp xây dựng các hồ chứa cho thủy điện bên cạnh việc làm mất đi các khu rừng tự nhiên, ngăn cản đường di cư của cá, phân cắt dòng sông. Thậm chí, một số công trình không vận hành đúng quy trình còn gây thiệt hại cho người, nền kinh tế, cũng như làm suy thoái các hệ sinh thái ở vùng hạ lưu.

Ngoài tác động của thủy điện, tài nguyên đa dạng sinh học của nước ta còn bị đe dọa bởi thực trạng khai thác bừa bãi và sức ép từ gia tăng dân số, cũng như việc “lấn sân,” chiếm đất phục vụ cho quá trình đô thị hóa.

Với giá trị đa dạng sinh học cao, Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối,… tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới.

Số liệu cho thấy, nếu như năm 2007, nước ta có 880 loài động, thực vật được ghi vào sách đỏ, thì đến nay, trên cả nước đã có 10 loài động vật bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Trong các loài động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam, tê giác Java là 1 trong 2 quần thể tê giác còn sót lại trên trái đất bị xác nhận là tuyệt chủng vào năm 2010.

Sự biến mất của cá thể tê giác Java này không những khiến các nhà bảo tồn Việt Nam lo lắng về môi trường sống thiếu an toàn của các loài hoang dã, mà hầu hết các cơ quan bảo tồn trên thế giới cũng phản ứng sự tiếc nuối.

hu hẹp diện tích rừng ngập mặn là do bị chuyển đổi để làm đầm nuôi tôm. (Ảnh: TTXVN)

hu hẹp diện tích rừng ngập mặn là do bị chuyển đổi để làm đầm nuôi tôm. (Ảnh: TTXVN)

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chuyên ngành của Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp can thiệp. Gần đây nhất, ngày 31/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1250 về “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, thực trạng suy giảm các loài động vật quý hiếm bởi sự “can thiệp” của con người, cho đến nay vẫn còn nhức nhối. Đơn cử như tại nhiều khu vực miền núi, các nhà máy xi măng phá hết núi đá vôi để lấy nguyên liệu đã khiến loài voọc mông trắng, voọc mũi hếch phải đối diện với mối lo “tuyệt chủng.”

Tương tự, loài hổ của Việt Nam vốn có số lượng đến hàng ngàn con nhưng nay cũng chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ trong tự nhiên, chủ yếu phân bố ở khu vực biên giới miền Trung và Tây Bắc.

Cùng với các loài động vật sách đỏ, quý, hiếm, nhiều loài thực vật được xem là phổ biến cũng đang bị ảnh hưởng nguồn gien di truyền do sự khai thác quá mức. Từ năm 2008 đến nay đã có khoảng 100.000ha rừng khộp – kiểu hệ sinh thái đặc thù của thế giới ở Tây Nguyên bị khai tử.

Ở ven biển, diện tích rừng ngập mặn từ 400.000 ha năm 1943, đến nay cũng thu hẹp, chỉ còn lại 130.000 ha. Các kết quả điều tra cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm diện tích rừng ngập mặn là do bị chuyển đổi để làm đầm nuôi tôm.

Sự suy giảm các kiểu hệ sinh thái, các loài nêu trên cho thấy “rừng vàng, biển bạc” của Việt Nam đang ngày bị thu hẹp. Và, để góp phần vào công tác bảo tồn, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những giải pháp khả thi và sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đối với công tác này.

Theo Mai Huyền/ VietnamPlus

Bản in