Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường không khí

04/03/2015 10:59:51 SA










Nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí đã được Bộ TN&MT và các ngành chức năng đặt ra, để đem lại bầu không khí trong lành, đồng thời bảo vệ sức khỏe người dân.

Ô nhiễm nặng… môi trường không khí

Kết quả đo lường, phân tích cho thấy các thành phố lớn với mật độ dân cư đông là những nơi có môi trường không khí ô nhiễm nặng. Điển hình là ở Hà Nội, Thành phố HCM, Hải Phòng… Tại hầu hết những thành phố này, nồng độ bụi và bụi mịn vượt quá tiêu chuẩn từ 1,5 đến 2,5 lần. Thậm chí thành phố môi trường Đà Nẵng, được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam thì những năm gần đây ô nhiễm không khí cũng đang có chiều hướng tăng cao. Số liệu cho thấy, số ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép từ 40 ngày (năm 2011) đã lên tới 128 ngày (năm 2013).

Nguyên nhân dẫn đến nồng độ bụi cao chủ yếu là từ các nguồn như hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh và ô nhiễm xuyên biên giới. Trong đó, hoạt động giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi, nhất là các thành phố có mật độ phương tiện giao thông cao. Việc đào lấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông còn diễn ra thường xuyên mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng là tác nhân gây ô nhiễm không khí. Các khu, cụm công nghiệp cũng là nơi có hàm lượng bụi cao vượt mức cho phép. Vì các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư, vận hành hệ thống xử lý dẫn đến lượng khí thải công nghiệp đưa ra môi trường khá lớn.

Ngay cả khu vực nông thôn thì tình trạng ô nhiễm không khí ở một số vùng cũng ở mức đáng báo động, với nồng độ bụi vượt xa so với tiêu chuẩn cho phép. Bởi những vùng này phải hứng chịu khí thải từ các làng nghề, các cơ sở sản xuất. Có một thực tế là các đơn vị sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, mặc dù khi đi vào hoạt động đã phải cam kết với chính quyền và người dân địa phương.

Nhiều giải pháp thiết thực

Ứng phó với biến đổi khí hậu - cần thay đỏi tư duy - Ảnh 3

Vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng không khí đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Vấn đề hiện này là cần sớm ban hành chính sách và kế hoạch hành động trên cơ sở các quy định của Luật.

Để kiểm soát và từng bước giảm thiểu ô nhiêm môi trường không khí, Bộ TN&MT và nhiều thành phố lớn hiện đã và đang thiết lập các hệ thống quan trắc và phân tích môi trường để thu thập các thông tin môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn. Đồng thời tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư; xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và khu công nghiệp.

Đi đầu trong cả nước, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai "Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn" đến năm 2020. Nhằm bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí cố định để đánh giá sự thay đổi chất lượng không khí và các yếu tố khí tượng, phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng. Sở sẽ xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 3 trạm quan trắc tự động liên tục, cùng với các trạm đã có và các điểm quan trắc định kỳ theo hệ thống mạng lưới quy hoạch mới, trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng. Từ đó thay đổi hành vi, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí hiện nay.

Khánh Anh/monre.gov.vn


Bản in