Theo quyết định của 28 quốc gia thành viên, các quy định mới sẽ buộc người tiêu dùng phải dùng các loại túi có thể tái sử dụng hoặc phải trả thêm phí nếu dùng túi nylon. Đây cũng là lần đầu tiên các nước châu Âu cùng đồng thuận áp dụng chế tài bắt buộc liên quan đến vấn nạn này.
EU cũng đặt mục tiêu sẽ giảm 80% số lượng túi nylon được sử dụng vào năm 2025. Tuy nhiên, các nước sẽ được tự lựa chọn cách thức để thực hiện mục tiêu trên. Giới chức châu Âu cho rằng, quyết định này được xem là bước đột phá lịch sử trong nỗ lực đối phó với vấn nạn ô nhiễm túi nylon.
Cách đây 5 năm, mỗi người dân châu Âu sử dụng khoảng 198 túi nylon mỗi năm. Con số này trong năm 2010 là khoảng gần 180 túi và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ là 40 túi/người/năm.
Trước đây, vì sự tiện dụng mà túi nylon được nhiều người trên thế giới ưa dùng. Từ đó dẫn đến lượng rác thải nylon khổng lồ, gây ra những tác hại khôn lường cho môi trường và xã hội. Theo các nhà khoa học, các loại rác thải nylon, đặc biệt là túi nylon mỏng cực độc hại cho môi trường. Rác thải nylon phải mất khoảng 450 năm mới phân hủy hết.
Không kể những tác hại môi trường mà các thế hệ sau phải gánh chịu, túi nylon còn gây ra nhiều tác hại trước mắt như làm tắc nghẽn đường thoát nước, gây ngập lụt đô thị, dẫn đến ruồi, muỗi, chuột phát sinh lây truyền bệnh dịch. Do đó, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nylon.
Ireland là nước đầu tiên ở châu Âu áp dụng biện pháp hạn chế nylon từ tháng 5/2002. Mỗi túi nylon trong siêu thị phải chịu mức phí 15 euro-cent (khoảng 4.400 đồng), mức phí này sau đó đã tăng lên mức 22 euro-cent, khiến số lượng túi nylon được sử dụng giảm khoảng 90%. Trước đó, khoảng 1,2 tỷ túi nylon được các nhà bán lẻ phát cho khách hàng mỗi ngày.
Ở Đức, Đan Mạch và Thụy Sĩ, các nhà bán lẻ tự nguyện trả tiền cho túi nylon dùng trong siêu thị mà không cần chính phủ áp dụng chính sách.
Tại Mỹ, San Francisco là thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm dụng túi nylon trong các cửa hàng lớn. Những cửa hàng này dùng túi phân hủy, thường được làm từ phụ phẩm của ngô. Với lệnh cấm này, mỗi năm San Francisco tiết kiệm 1,7 triệu lít dầu, đỡ tốn công chôn lấp 1.400 tấn rác nylon. Mới đây, thành phố Los Angeles cũng áp dụng các biện pháp tương tự.
Tại châu Á, Trung Quốc đã quyết định cấm túi nylon từ giữa năm 2008 nhằm chuần bị cho Olympic Bắc Kinh và đến nay vần tiếp tục gia tăng các biện pháp hỗ trợ thực hiện lệnh cấm này. Trước khi lệnh cấm được áp dụng năm 2008, nước này sử dụng khoảng 3 nghìn tỷ túi nylon mỗi ngày. Sau khi thực hiện lệnh cấm, theo báo cáo của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, số lượng túi nylon được sử dụng mỗi năm giảm đi 24 nghìn tỷ chiếc.
Ấn Độ từ tháng 8/2003 cấm sản xuất, bán và sử dụng túi nylon ở bang phía bắc Himachal Pradesh. Sau đó, từ tháng 9/2005, lệnh cấm tương tự cũng được áp dụng ở Mumbai, bang Maharashtra, Sikkim, Goa, Kerala và Karnatak vì túi nylon làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh trong mùa mưa, gây lũ lụt và lở đất nghiêm trọng.
Bangladesh từ tháng 3/2002 cấm dùng túi nylon, khi thấy rằng túi nylon tràn ngập khắp 2/3 đất nước sau trận lũ lụt lớn năm 1988 và 1998.
Tại châu Phi, nhiều nước ở Đông Phi đã nói "không" với túi nylon không phải bằng những cuộc vận động mà bằng luật pháp, trong đó Rwanda là nước áp dụng thành công nhất. Tại Rwanda, việc sử dụng túi nylon là vi phạm luật bảo vệ môi trường.
Wangari Mathaai, nhà khoa học đạt giải Nobel năm 2005 phát hiện ra rằng việc vứt túi nylon bừa bãi khiến tình hình bệnh sốt rét ở châu Phi thêm trầm trọng.
Chính phủ Nam Phi cấm dùng túi nylon siêu mỏng từ tháng 5/2003. Những nhà bán lẻ phát loại túi này cho khách hàng có thể bị phạt 100.000 rand (($13.800) hoặc 10 năm tù giam. Vì thế, khách hàng phải tự mang túi theo khi đi mua sắm, hoặc mua loại túi dày- dễ tái chế và tái chế hiệu quả hơn về mặt chi phí. Một số nước khác ở châu Phi gồm Zanzibar, Kenya và Uganda cũng cấm sử dụng túi nylon từ năm 2006, 2007.
Càng ngày, càng có nhiều nước tham gia chiến dịch tẩy chay túi nylon. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng không phải không gặp sự chống đối từ các nhà sản xuất túi nhựa. Do đó, để thực sự loại túi nylon khỏi cuộc sống vẫn còn là một cuộc chiến lâu dài./.