Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định cho biết: Mặc dù trong thời gian qua, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Nhơn Bình (Quy Nhơn); Gò đá Trắng (Thanh Liêm, thị xã An Nhơn); Cát Nhơn (Phù Cát) và khu chế biến hải sản tập trung Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để, vẫn gây ô nhiễm môi trường như: khói bụi (sản xuất nhang đèn, các lò luyện kim loại) và ô nhiễm nước thải từ chế biến thủy sản và nông sản.
Ảnh minh hoạ
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Định thường xuyên chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư cụm công nghiệp thực hiện đúng qui định về bảo vệ môi trường; hỗ trợ UBND huyện trong thanh tra, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp vi phạm; hướng dẫn các chủ đầu tư tại các cụm công nghiệp xây dựng Quy chế bảo vệ môi trường và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản cụ thể hóa công tác bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp.
UBND các huyện, thị xã và thành phố Quy Nhơn thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư trong các cụm công nghiệp về thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; xem xét qui hoạch và chuyển các cụm công nghiệp nằm trong các khu dân cư đến nơi khác phù hợp để đảm bảo môi trường chung và đối với các cụm công nghiệp đã có hệ thống nước thải tập trung thì yêu cầu phải nối nước thải (cả nước thải sinh hoạt và sản xuất) vào hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng qui định. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và triệt để các cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo thẩm quyền được phân cấp.
Hiện tỉnh Bình Định có 38 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 730 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất vừa và nhỏ với tổng diện tích trên 400 ha, đến nay đã có 708 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 16.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2,5 triệu đồng/ người/ tháng.