Đà Nẵng: Đầu tư, quy hoạch bảo vệ môi trường mang tầm dài hạn

10/03/2015 4:22:55 CH

Để đạt mục tiêu đề ra của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường”, chính quyền thành phố đã huy động mọi nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố, nguồn vận động vốn ODA, nguồn xã hội hóa và huy động sự đồng lòng của người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp và xứng đáng là thành phố môi trường trong năm 2020.
 
 
Tranh thủ nguồn tài trợ để đầu tư, nâng cấp trạm xử lý nước thải Phú Lộc
Tranh thủ nguồn tài trợ để đầu tư, nâng cấp trạm xử lý nước thải Phú Lộc
 
Thiết lập sự cân đối giữa các yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường
 
Trong 3 năm qua, Đà Nẵng đã đầu tư hơn 555,629 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, đầu tư hệ thống nước thải trong và ngoài khu công nghiệp, quản lý, thu gom và xử dụng chất thải rắn. Cụ thể: Năm 2012 đạt 191,839 tỷ đồng (chiếm 1,1% ngân sách thành phố), năm 2013 đạt 171,613 tỷ đồng (chiếm 1% ngân sách thành phố), năm 2014 đạt 192,177 tỷ đồng (chiếm 1,58% ngân sách thành phố).
 
Trong đó, việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các đơn vị thu gom, xử lý rác, xử lý nước thải công cộng, xử lý nước bãi rác, xây dựng cơ bản khác về môi trường như nạo vét mương, trồng cây xanh, chỉnh trang đường phố, công viên…) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi sự nghiệp môi trường. 
 
Song song với việc đầu tư cho bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn ngân sách, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau thực hiện nhiều dự án với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nhiều dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Đà Nẵng. Đơn cử như dự án Đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và khu vực trung tâm (quận Hải Châu và Thanh Khê); cải tạo môi trường sông Phú Lộc; cải tạo và mở rộng các hệ thống thu gom nước thải cấp 1 trên các địa bàn quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ; xây dựng nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân… với tổng vốn thực hiện 65,4 triệu USD.
 
Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án toàn thành phố đã có được những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc, chất lượng môi trường cơ bản tốt, 4 năm liền đạt được các tiêu chí giải thưởng quốc tế (2011 - TP bền vững về môi trường ASEAN; 2012 - TP phát thải cacbon thấp do APEC đánh giá; 2013 - đạt giải Phong cảnh TP Châu Á do Tổ chức định cư con người Liên hợp quốc tại Châu Á bình chọn; 2014 - là thành viên của Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu do quỹ Rockefeller khởi xướng).
 
Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế xã hội, thành phố Đà Nẵng đã và đang đứng trước nhiều thách thức và cần cân nhắc giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế trước mắt trong đầu tư phát triển; giữa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo vệ môi trường lạc hậu với khối chất thải ngày càng tăng lên; giữa nhu cầu ngày càng cao về vốn cho bảo vệ môi trường với khả năng có hạn của ngân sách Nhà nước, sự đầu tư của doanh nghiệp và người dân công tác bảo vệ môi trường còn ở mức rất thấp…
 
Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững
 
Với những thách thức mà thành phố đang phải đối mặt, việc định hướng đầu tư bảo vệ môi trường cho tương lai là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đáp ứng các tiêu chí về môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và quản lý tổng hợp môi trường đô thị và các đề án, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và hợp tác quốc tế đang triển khai, một số đề xuất về định hướng đầu tư bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
 
Trước tình hình nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các loại năng lượng truyền thống đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt đã thúc đẩy thành phố Đà Nẵng phải có chiến lược đúng đắn trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên và đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo. Do đó, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng hóa thạch kết hợp với nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, biogas, thủy điện… được xem là giải pháp hữu hiệu và bền vững trong tương lai.
 
Tái chế, sử dụng các nguồn phế thải là xu hướng chung của thế giới, đã được các nước phát triển thực hiện từ lâu. Tại Việt Nam, trong định hướng phát triển bền vững cũng đã xác định quản lý chất thải là vấn đề trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường, trong đó giải pháp 3R được đặt lên hàng đầu (Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay ở Đà Nẵng, hoạt động tái chế vẫn còn nhỏ lẻ, phần lớn mang tính tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. 
 
Ngoài ra, Đà Nẵng cần tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho môi trường. Tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách; đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ môi trường, triển khai mạnh mẽ mô hình hợp tác công - tư, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước trong xây dựng thành phố môi trường.
 
Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho bảo vệ môi trường, chủ động, sáng tạo tạo trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác quốc tế, tham gia, tổ chức thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các ngành, địa phương lập các dự án bảo vệ môi trường cụ thể của đơn vị mình để thu hut đầu tư ODA, đặc biệt chú trọng các dự án liên quan đến xử lý nước thải, chất thải rắn, không khí và tiếng ồn, chất thải y tế. Hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chung biên giới và ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Bài và ảnh: Ni Na/baotainguyenmoitruong.vn
Bản in