Việt Nam: Tăng cường thể chế về quản lý chất lượng không khí

23/03/2015 3:42:44 CH


Sáng 20/3, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo giới thiệu, chia sẻ kết quả thực hiện Dự án “Tăng cường thể chế về quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam”. 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có chuyên gia tham gia thực hiện dự án của phía Việt Nam và Nhật Bản, đại diện của các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn ...

Dự án được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc cung cấp các chuyên gia về quản lý chất lượng không khí, thực hiện từ tháng 9/2013 đến tháng 03/2015 với mục tiêu nhằm nâng cao năng lực về quản lý chất lượng không khí cho các cơ quan quản lý tại cấp Trung ương và địa phương.

Với mục tiêu đó, dự án đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả trong triển khai các hoạt động chính bao gồm: hỗ trợ xây dựng các quy định về quản lý chất lượng không khí trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; xác định các lĩnh vực ưu tiên để ban hành các quy định dưới luật về quản lý chất lượng không khí và đưa ra lộ trình thực thi hiệu quả; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các hoạt động quản lý chất lượng không khí; hỗ trợ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh soạn thảo lộ trình xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại địa phương.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia JICA Nhật Bản cũng đã tích cực hỗ trợ thực hiện một số hoạt động khác như: tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) thực hiện kiểm kê khí thải công nghiệp của một số ngành công nghiệp chính; hỗ trợ Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) về lấy mẫu bụi tại ống khói; tư vấn chính sách cho hoạt động xây dựng dự thảo Nghị định quản lý chất thải và phế liệu.

Cũng tại Hội thảo, chuyên gia thực hiện dự án của Tổng cục Môi trường đã trình bày Dự thảo Thông tư về hướng dẫn kiểm kê khí thải công nghiệp. Theo đó, Thông tư hướng dẫn kiểm kê các nguồn khí thải công nghiệp bao gồm lựa chọn thông số, nguồn khí thải công nghiệp, phương thức thực hiện và báo cáo việc kiểm kê khí thải công nghiệp.

Theo Dự thảo, có 11 cơ sở công nghiệp có phát sinh khí thải vào môi trường không khí phải thực hiện kiểm kê khí thải, gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhiệt điện, hơi công nghiệp, thép, xi măng, hóa chất cơ bản, phân bón hóa học, dầu mỏ, đốt chất thải thông thường và chất thải nguy hại, nhà máy nghiền clinker.

Thông số kiểm kê sẽ tùy vào từng ngành sản xuất, như các cơ sở thuộc nhóm ngành sản xuất phôi thép, các kim loại vô cơ khác thì thông số là bụi, SO2 CO, HF, HCl, SiO2, dioxin; furan. Việc khảo sát, thu thập thông tin cho kiểm kê khí thải công nghiệp dựa vào điều tra, khảo sát trực tiếp tại cơ sở công nghiệp, phiếu điều tra và đo khí thải ống khói …

Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao các kết quả dự án đã đạt được và trao đổi về cách thức chia sẻ thông tin, sản phẩm của Dự án, những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý chất lượng không khí tại địa phương và đề xuất sự hỗ trợ từ cơ quan Trung ương và cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản, đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư về hướng dẫn kiểm kê khí thải công nghiệp. 

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết trong điều kiện thời gian thực hiện ngắn và nguồn lực hỗ trợ cho Dự án hạn chế, kết quả của Dự án đáp ứng được mục tiêu do Dự án đã đề ra nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế của công tác quản lý chất lượng không khí của Việt Nam ở cả cấp Trung ương và địa phương. 

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại hội thảo. Tổng cục Môi trường sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý này để ứng dụng kết quả thực hiện dự án trong thực tế đạt nhiều hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt ban hành Thông tư trong thời gian tới./.

 Toàn cảnh hội thảo
Quỳnh Anh
(VEA)
Bản in