Lộ trình kiểm soát khí thải xe máy sẽ được thực hiện từ năm 2017. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo lộ trình Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố mà Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, từ năm 2010-2013 sẽ kiểm soát khí thải đối với xe máy trên 10 năm tuổi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị kéo giãn lộ trình này và bắt đầu thực hiện từ năm 2017.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, nước ta có khoảng 2 triệu xe ôtô và khoảng 40 triệu xe máy, trong đó có đến 60% là tập trung ở các khu đô thị lớn. Chính phủ đã ban hành tiêu chuẩn về khí thải đối với các phương tiện cơ giới nhưng mới áp dụng với ô tô. Còn riêng đối với xe máy, tuy chưa chính thức kiểm soát khí thải nhưng theo kết quả khảo sát, có hơn 50% xe máy đang lưu hành hiện nay không đạt tiêu chuẩn.
Cụ thể, ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội lượng các chất thải như PM10, CO, HC, NOx và các chất phụ gia trong xăng như benzene… là rất cao, hầu như đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, nếu như việc kiểm soát khí thải đối với ôtô chúng ta đang làm khá tốt thì việc kiểm soát khí thải đối với xe máy đang rơi vào “vỡ” lộ trình của Đề án.
“Mặc dù việc kiểm soát khí thải là việc cần thiết hiện nay nhưng với 40 triệu xe máy (tương ứng với khoảng 60 triệu lái xe) liệu họ có đồng thuận không cũng đang là vấn đề phải tính đến. Người dân kêu chuyện phí chồng phí, thuế chồng thuế mà bây giờ chúng ta đưa ra việc kiểm soát khí thải họ lại mất thêm một loại phí thì phản ứng sẽ thế nào? Vì vậy, bây giờ phải giải thích rõ sự cần thiết của giảm phát thải khí để nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Muốn làm được việc này cần sự hỗ trợ, vào cuộc của các Bộ, ngành và nòng cốt là Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành,” ông Hùng đưa ra quan điểm.
Là đơn vị chức năng chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, triển khai và đưa Đề án vào thực tế, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Cục Đăng kiểm đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin Chính phủ giãn lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe máy.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, đối với xe máy chưa đến 3 năm sử dụng sẽ không nằm trong diện phải thực hiện kiểm định khí thải hàng năm. Phạm vi thực hiện kiểm soát khí thải xe máy cũng được mở rộng tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Chu kỳ kiểm định là 1 năm/lần.
Thời gian áp dụng từ 1/7/2017 đối với Đà Nẵng. Tại 4 thành phố còn lại sẽ theo lộ trình, từ 1/7/2018 kiểm soát đối với xe trên 10 năm sử dụng; từ ngày 1/7/2019 kiểm soát đối với các xe còn lại. Xe máy sau khi kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ được dán tem kiểm định, khi đó xe mới đủ điều kiện tham gia giao thông.
Đề cập việc kiểm định khí thải cho xe máy, ông Trí cho rằng, sẽ dựa vào các đại lý ủy quyền của những hãng xe máy tại 5 thành phố lớn để tham gia kiểm định khí thải cho xe máy.
“Chỉ tính riêng 5 nhà sản xuất xe mô tô, xe gắn máy lớn là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đã có hệ thống lên đến 1.526 đại lý trên cả nước. Các đại lý này có mặt bằng, đội ngũ kĩ thuật viên, nhân viên có kỹ năng, kết hợp bảo hành bảo dưỡng nên sẽ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định số lượng xe máy hiện nay, đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình đề ra,” ông Trí khẳng định.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, xe máy vẫn chưa có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn về khí thải bắt buộc đối với các nhà sản xuất.
Trả lời vấn đề chế tài để bắt buộc các chủ xe gắn máy phải thực hiện kiểm tra khí thải theo chu kỳ quy định, vị Cục phó Cục Đăng kiểm nhấn mạnh, Cục sẽ tiếp tục xây dựng dự thảo bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với hành vi vi phạm về kiểm soát khí thải ôtô, xe máy.
Theo đó, các xe máy sau khi kiểm định khí thải xong sẽ được dán tem hoặc giấy chứng nhận, nếu không xuất trình được những loại chứng nhận này sẽ bị xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe gắn máy không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải.
VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
|