Hải quan Việt Nam với “Sáng kiến Hải quan xanh”

07/04/2015 4:08:04 CH


​Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có hải quan. Hướng theo mục tiêu đó, Hải quan Việt Nam đã triển khai “sáng kiến Hải quan xanh”, do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động vào trong công tác quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Qua đó, ngăn ngừa hàng hoá nhạy cảm đối với môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp.
Cẩm nang Hướng dẫn Hải quan xanh
Ứng phó với biến đổi khí hậu, UNEP đã phát động “Sáng kiến Hải quan xanh”. Mục đích nhằm hướng tới hợp tác với các tổ chức quốc tế trong ngăn ngừa hàng hóa nhạy cảm đối với môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp. Qua đó, nâng cao nhận thức về vai trò của Hải quan trong bảo vệ môi trường; Tăng cường kiến thức về các vấn đề môi trường, cụ thể các vấn đề đề cập trong Hiệp định đa phương về môi trường (MEAs); Tăng cường các kỹ năng theo yêu cầu thực thi từ các cam kết quốc gia về môi trường…
Tổ chức Hải quan thế giới cũng đã xuất bản Cẩm nang Hướng dẫn Hải quan xanh và tổ chức nhiều khoá đào tạo trên toàn thế giới, ở các cấp độ khu vực và quốc gia. Các công cụ pháp lý quan trọng được cộng đồng Hải quan xanh sử dụng trong quá trình thực thi bảo vệ môi trường như:
a) Công ước về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng (BASEL);
(b) Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học;
(c) Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học;
(d) Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), 1973;
(e) Công ước Rotterdam về thủ tục thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc trừ sâu độc tính cao trong thương mại quốc tế;
(g) Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP).
Hướng theo sáng kiến trên, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý quốc gia quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến môi trường, trong đó có bóng đèn sợi đốt, bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Cụ thể như:
- Các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường xanh: Luật bảo vệ môi trường; Luật Sở hữu trí tuệ và một số văn bản dưới luật liên quan đến bảo vệ môi trường như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ; Nghị định 21/2011/NĐ-CP về biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng.
- Các quy định cụ thể liên quan đến bóng đèn sợi đốt, bóng đèn và thiết bị tiết kiệm năng lượng như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg, Quyết định 03/2013/ QĐ-TTg Quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; Quyết định 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013, ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
- Các quy định hải quan về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: Luật Hải quan; Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư 128/2013/TT-BTC; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11; Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 ngày 29/11/2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012; Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002; Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/ QH12 ngày 14/11/2008; Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010… Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan điện tử và Thông tư 196/2012/TT-BTC hướng dẫn việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại và các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa khác. Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS… Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được với thực tế:
Thứ nhất, các quy định về pháp lý còn tản mát ở nhiều văn bản khác nhau không thuận lợi cho tra cứu.
Thứ hai, Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi trong năm 2014 và có hiệu lực từ 01/01/2015, kèm theo đó các văn bản hướng dẫn thực hiện theo các văn bản cũ.
Thứ ba, một số chủ trương để kiểm soát thiết bị tiết kiệm năng lượng chưa sát với thực tế.
Để thiết thực bảo vệ môi trường, Hải quan Việt Nam cần tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tiến tới thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia tiến tới một cửa ASEAN đúng tiến độ cam kết 2015. Nghiên cứu thực hiện “Sáng kiến Hải quan xanh”, Chương trình kiểm soát xuất khẩu...
 
Thiết thực bảo vệ môi trường
Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai chủ trương của Chính phủ, với nền tảng hệ thống cơ sở pháp lý quốc gia, Hải quan Việt Nam đề ra một số nội dung cụ thể như:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; đưa chất thải vào Việt Nam.
Thứ hai, áp dụng đồng bộ các biện pháp xử phạt hành chính, thuế, phí bảo vệ môi trường lũy tiến theo mức độ tác động xấu đến môi trường.
Thứ ba, kiểm tra, kiểm soát và thực hiện các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phóng xạ, hạt nhân kết hợp xử lý vi phạm bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thứ tư, áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt để phát hiện các trường hợp vận chuyển trái phép, tiêu thụ các loài được ưu tiên bảo vệ, loài cấm khai thác ngoài tự nhiên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ năm, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Thứ sáu, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả những nội dung này, Hải quan Việt Nam cần tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tiến tới thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia tiến tới một cửa ASEAN đúng tiến độ cam kết 2015. Nghiên cứu thực hiện “Sáng kiến Hải quan xanh”, Chương trình kiểm soát xuất khẩu...
Đặc biệt, trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, Hải quan Việt Nam cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, xây dựng danh mục hàng hóa rủi ro về môi trường và hàng hóa cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện trong cơ sở dữ liệu quản lý của cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý rủi ro.
Thứ hai, tiêu chí phân luồng đối với các loại hàng hóa này phải bắt buộc thiết kế phân vào luồng đỏ (luồng 3 trong hệ thống VNACCS/VCIS).
Thứ ba, thực hiện kiểm tra thực tế bằng phương pháp thủ công và sử dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại để xác định mức độ ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh những giải pháp trên, bài viết đề xuất một số kiến nghị sau:
Đối với Chính phủ: Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa một cửa quốc gia; đảm bảo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông; ban hành danh mục hàng hóa lưỡng dụng, sớm đưa chương trình kiểm soát xuất khẩu hàng lưỡng dụng
Đối với bộ, ngành và doanh nghiệp: Cùng sử dụng một dữ liệu thông tin dưới dạng chuẩn hóa và kết nối vào cơ chế một cửa quốc gia vận. Phối hợp xây dựng các Thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành với Bộ Tài chính để thực hiện tốt kiểm tra giám sát, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng đến môi trường, loại bỏ bóng việc nhập khẩu bóng đèn sợi đốt phục vụ mục đích chiếu sáng có công suất từ 60W trở lên và bóng đèn tiết kiệm năng lượng kém chất lượng.
Đối với Bộ Tài chính: Thực hiện vai trò đầu mối một cửa quốc gia; đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro danh mục hàng hóa rủi ro về môi trường; đào tạo, hướng dẫn công chức thực thi kiến thức bảo vệ môi trường nói chung, cách nhận biết bóng đèn sợi đốt công suất từ 60W trở lên, bóng đèn kém chất lượng thông qua sổ tay hướng dẫn.
Đối với các cơ sở sản xuất: Đề nghị đăng ký yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu với Tổng cục Hải quan và cung cấp các thông số kỹ thuật đối với bóng đèn sợi đốt được phép sản xuất và bóng đèn tiết kiệm năng lượng.
NGUYỄN HỮU TRÍ - VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI QUAN
Tạp chí Tài chính
Bản in