Hiện nay nguồn nước ngầm tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được người dân khai thác và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ít người biết rằng khai thác nước ngầm, sụt lún đất, mặn hóa và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp có mối liên quan mật thiết. Chính vì lẽ đó, các nhà khoa học khuyến cáo ĐBSCL cần khai thác nước ngầm hợp lý và đúng quy định.
Tại Hội thảo do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với các chuyên gia Hà Lan tổ chức mới đây, Giáo sư Piet Hoekstra, Đại học Utrecht, Hà Lan cho biết, khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính gây sụt lún mặt đất. Ngoài ra, khai thác nước ngầm tràn lan còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như: cơ sở hạ tầng bị phá hủy, gia tăng rủi ro do lũ, xói lở vùng ven biển, thay đổi dòng chảy trên hệ thống sông, xâm nhập mặn nước mặt và nước dưới đất...
Ngoài ra, theo PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ khai thác nước ngầm quá mức cũng là nguyên nhân tạo ra các dòng chảy ngầm. Một trong số những dòng chảy này thông ra biển gây nên xâm nhập mặn...
Ông Tom Kompier, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cảnh báo: Hậu quả từ việc khai thác nước ngầm không xảy ra lập tức, cho từng cá nhân riêng lẻ. Nếu khai thác nước ngầm với quy mô lớn, nhất là vùng đô thị sẽ gây sụt lún nghiêm trọng. Mức độ sụt lún có thể lên đến 1-4cm/năm (gấp 10 lần so với nước biển dâng). Với tốc độ này, đến năm 2050, những nơi đang sụt lún có nguy cơ bị nhấn chìm từ 0,4-0,6m.
Hiểu rõ vấn ý nghĩa của công tác quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng này không đơn giản.
Đặc biệt tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và nhu cầu sử dùng nguồn nước ngầm ngày càng tăng theo cấp số nhân. Trong khi đó, tại vùng ĐBSCL các thông tin, công trình nghiên cứu về việc khai thác và sử dụng nước ngầm còn rất hạn chế. Ông Triệu Công Danh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Đến nay, Sóc Trăng vẫn chưa có những nghiên cứu chính thức về tình trạng khai thác nước ngầm gây sụt lún đất. Cho nên, chúng tôi cũng không xác định được có hay không hiện tượng sụt lún đất trên địa bàn tỉnh...".
Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng lún đất do hạ thấp mực nước ngầm, các địa phương cần điều chỉnh lại hệ thống cung cấp nước ngầm, giảm công suất khai thác ở những nhà máy xảy ra tình trạng lún. Ngành chức năng khoanh vùng những khu vực hạn chế và cấm khai thác nước ngầm. Đồng thời, đề ra giải pháp đồng bộ trong quy hoạch đô thị và hệ thống cấp nước tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Ông Tom Kompier, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, đề xuất: Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nên sử dụng nước mặt thay vì nước ngầm để tránh những biến đổi thất thường lên tầng địa chất gây sụt lún. Đồng thời, chuyển hướng từ nông nghiệp sử dụng nước ngọt sang các mô hình kinh tế dựa vào nguồn nước lợ hay mặn ở vùng ven biển. Nếu muốn phát triển bền vững, kinh tế ĐBSCL nên thích ứng với tất cả các nguồn nước sẵn có, xem xét tính thực tế, chi phí và khả năng thích ứng với các xu hướng trong tương lai.
L.Nhi/monre.gov.vn
|