Công trình xanh (CTX) là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, giai đoạn sử dụng, vận hành, cho đến giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.
Theo TS Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT – Bộ Xây dựng, hiện nay, tại Việt Nam, nhiều chủ đầu tư đã ý thức được lợi ích mà công trình xanh mang lại. Qua tính toán từ các mô hình trình diễn về công trình tiết kiệm năng lượng cho thấy, chi phí đầu tư chỉ tăng 2 – 4%, thời gian thu hồi vốn 5 năm, trong khi công trình tiết kiệm được ít nhất 20% năng lượng sử dụng (thậm chí đến 40% đối với toà nhà FPT Đà Nẵng) trong suốt thời gian vận hành của công trình là 50 – 100 năm.
Việc phát triển CTX đem lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và nhà thầu. Thương hiệu của các CTX sẽ khác các công trình thông thường. Người sử dụng công trình CTX, tiết kiệm năng lượng, được sống môi trường tốt hơn hẳn so các công trình khác. Và vì công trình tiết kiệm năng luợng nên quốc gia cũng không tốn kém đầu tư thêm các công trình năng lượng… Như vậy, CTX đồng thời đem lại lợi ích cho người sử dụng và xã hội.
Nhận thức rõ vai trò của CTX trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, muốn phát triển CTX ở nước ta một cách mạnh mẽ và vững chắc, trước tiên phải tạo lập và phát triển thị trường bất động sản về CTX. Cần phải tiến hành tuyên truyền, phổ biến một cách rộng rãi về các lợi ích to lớn của CTX đem lại đối với người đầu tư xây dựng, người mua, người bán hay người thuê CTX, cũng như lợi ích về mặt bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của CTX mang lại đối với toàn xã hội, nhằm mục đích kích thích nhu cầu (kích cầu) phát triển thị trường bất động sản về xây dựng CTX mới cũng như cải tạo các công trình hiện có thành các CTX. Chuyển đổi thị trường xây dựng CTX từ chỗ chỉ có một vài người cấp tiến và một số ít nhà lãnh đạo quan tâm trở thành một trào lưu chủ đạo về phát triển CTX của xã hội.
Nhà nước cần phải đề ra các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi về kinh tế như miễm giảm một số loại thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục xét duyệt dự án đầu tư xây dựng CTX để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra thị trường bất động sản về CTX sôi động.
Xây dựng bộ tiêu chí CTX để làm cơ sở thiết kế, đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ CTX. Bộ tiêu chí CTX phải có khuyến khích áp dụng, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến dần từ thấp lên cao, theo kịp với trình độ của thế giới. Nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh của các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng, các kỹ sư môi trường.
Phát triển sử dụng vật liệu tái sinh, vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong xây dựng công trình xanh. Cải thiện nguồn cung cấp và giảm thiểu chi phí trong chế tạo các sản phẩm vật liệu và cấu kiện xây dựng thân thiện với môi trường; Phát triển sử dụng vật liệu không nung, vật liệu nhẹ, vật liệu hàm chứa năng lượng thấp…
Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020, đạt tỷ lệ khoảng 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt các tiêu chí CTX và khoảng 20% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí CTX. Giảm mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình tính bình quân trên 1m2 sàn nhà khoảng 10 -15% so với năm 2010, tương ứng giảm mức phát thải khí nhà kính khoảng 10 – 15% so với năm 2010.
Định hướng từ 2021 đến năm 2030, phấn đấu đưa hoạt động phát triển CTX trở thành hoạt động thường xuyên của ngành Xây dựng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ khoảng 50% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt các tiêu chí CTX và khoảng 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí CTX. Giảm mức tiêu thụ năng lượng tính bình quân trên 1m2 sàn nhà từ 5 – 10% so với năm 2020, tương ứng giảm mức phát thải khí nhà kính từ 5 – 10% so với năm 2020.
T.Bình/monre.gov.vn
|