Hoạt động từ các khu công nghiệp đang gây ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng không khí
Kiểm kê khí thải, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý nắm được thải lượng và kiểm soát được mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề này đang là một thách thức đối với Việt Nam bởi luật thì có nhưng thực thi vẫn chưa được như mong đợi...
Chỉ thử nghiệm ở một số ngành nghề
Theo Dự thảo, Thông tư hướng dẫn kiểm kê các nguồn khí thải công nghiệp vừa được Tổng cục Môi trường giới thiệu mới đây bao gồm: Lựa chọn thông số, nguồn khí thải công nghiệp, phương thức thực hiện và báo cáo việc kiểm kê khí thải công nghiệp. 11 ngành phát sinh khí thải vào môi trường không khí phải thực hiện kiểm kê khí thải, đó là: Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhiệt điện; hơi công nghiệp; thép; xi măng; hóa chất cơ bản; phân bón hóa học; dầu mỏ; khí đốt; chất thải thông thường và chất thải nguy hại; nhà máy nghiền clinker. Thông số kiểm kê sẽ tùy vào từng ngành sản xuất, như các cơ sở thuộc nhóm ngành sản xuất phôi thép, các kim loại vô cơ khác thì thông số là: Bụi, SO2 CO, HF, HCl, SiO2, dioxin; furan. Hay ngành sản xuất nhiệt điện thì kiểm kê bụi, SO2, CO, CO2, NOx, VOCs,…
Tuy nhiên, đây là một vấn đề còn mới và khó đối với Việt Nam. Vì vậy, trong đợt đầu tiên Việt Nam tự tiến hành kiểm kê khí thải các nhà máy đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ phía các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Nhật Bản. Cũng trong khuôn khổ Dự án Tăng cường thể chế quản lý chất lượng không khí với sự giúp đỡ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành kiểm kê khí thải tại 3 ngành công nghiệp mục tiêu đó là thép, xi măng và nhiệt điện. Đây được cho là những ngành có lượng phát sinh ô nhiễm không khí lớn tại Việt Nam. Mục tiêu nhằm khảo sát, thu thập thông tin cho kiểm kê khí thải công nghiệp dựa vào điều tra, khảo sát trực tiếp tại cơ sở công nghiệp, phiếu điều tra thông tin và đo khí thải ống khói…
Cục Kiểm soát ô nhiễm (KSÔN) thuộc Tổng cục Môi trường đã lựa chọn và khảo sát tại 24 nhà máy nhiệt điện, 48 nhà máy xi măng và 26 nhà máy sản xuất thép. Do đây là lần đầu tiên thực hiện kiểm kê không khí vì vậy đã bộc lộ nhiều khó khăn. Chẳng hạn đối với nhà máy nhiệt điện đó là việc cung cấp thông tin chưa chính xác về nồi hơi, hệ thống xử lý khí thải... đã gây ra không ít trở ngại trong quá trình thu thập thông tin, nắm được hệ thống sản xuất và xử lý khí thải của đơn vị cũng như nhiên liệu tiêu thụ của lò hơi. Rồi cán bộ chịu trách nhiệm hoàn thành Phiếu thông tin trong một số trường hợp không phải là cán bộ kỹ thuật cũng gây ra những trở ngại nhất định đối với việc hoàn thành báo cáo...
Cần xây dựng hệ số phát thải riêng
Hiện nay, do không thể thu thập các số liệu như nồng độ các thông số ô nhiễm mục tiêu mg/Nm3 hoặc lưu lượng phát thải nên các hệ số phát thải được sử dụng để ước tính lượng phát thải, chính vì vậy, Cục KSÔN phải sử dụng hệ số phát thải từ tài liệu của WHO. Những hệ số này không được xây dựng dựa trên công suất và đặc điểm của các cơ sở tại Việt Nam do đó thiếu độ tin cậy và chính xác.
Vì thế, ông Norihiko Inoue, Cố vấn trưởng của Dự án Tăng cường thể chế quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam cho rằng, cần phải xây dựng các hệ số phát thải riêng, phù hợp với điều kiện các nhà máy tại Việt Nam, nếu không chỉ nên sử dụng biện pháp lấy mẫu và phân tích thực tế. Đồng thời để nắm bắt chính xác lượng khí thải các nhà máy tại Việt Nam, không chỉ cần tăng số lượng các nhà máy được kiểm kê cho các ngành mục tiêu mà còn tăng số lượng các ngành mục tiêu khác.
Về phía góc độ nhà quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, hiện nay nhiều nhà máy chủ yếu chú trọng vào sản xuất không có phòng quản lý môi trường. Để quản lý ô nhiễm khí thải, nước thải cần phải phân công một cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường. Đồng thời để quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nhà máy cần phải nắm được đặc điểm của các nguồn phát thải. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm kê bằng phiếu thông tin cần giao cho cán bộ có đủ kiến thức và trình độ. Các hoạt động này giúp xác định nguồn ô nhiễm không khí chính xác, phân tích xu hướng khí thải theo thời gian, lập chính sách về quản lý chất lượng không khí vì vậy cán bộ hành chính phải nắm rõ phương thức tự xây dựng kiểm kê khí thải. Mặt khác việc kiểm kê khí thải cũng rất cần nguồn phân bổ ngân sách để đảm bảo việc làm này được diễn ra toàn diện và hiệu quả.
Nguyễn Cường/monre.gov.vn
|