Công viên Gia Định (quận Gò Vấp, Tân Bình và quận Phú Nhuận): Trước năm 1975, công viên được quy hoạch làm sân golf và sau đó bị bỏ hoang. Năm 1978, UBND TP HCM có quyết định xây khu đất này thành công viên lấy tên là Gia Định. Diện tích ban đầu khá lớn nhưng sau đó bị thu hẹp dần và đến năm 2005 công viên chỉ còn khoảng 32 ha, được xem là lá phổi xanh lớn nhất của Sài Gòn. Công viên được chia cắt bởi một đoạn đường dài 650 m, rộng 20 m nối đường Hồng Hà với ngã năm Nguyễn Thái Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiện công viên Gia Định có khoảng 1.000 cây xanh thuộc nhiều chủng loại như sọ khỉ, lim xẹt, bò cạp nước, me tây… với hơn 63.000 m2 diện tích thảm cỏ. Bên trong còn có các khu trò chơi trẻ em rộng khoảng 4.000 m2 với 30 trò chơi miễn phí cho các bé từ 11 tuổi trở xuống.
Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình): Trước năm 1975 khu vực này là phi trường trực thăng của Bệnh viện 3 dã chiến Mỹ. Công viên được thành lập năm 1989, trực thuộc sự quản lý của UBND quận Tân Bình, tọa lạc trên diện tích hơn 10 ha, nằm ở cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Công viên Hoàng Văn Thụ cũng có nhiều cây xanh, vạt hoa, đồi, hồ nước câu cá và khu cây cảnh. Hàng ngày có nhiều hình thức hoạt động văn hóa phục vụ mọi đối tượng công chúng đến tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cắm trại, rèn luyện sức khỏe. Nơi đây có đủ điều kiện và khả năng để tổ chức các chương trình với quy mô lớn trong các ngày lễ, kỷ niệm lớn của dân tộc.
Công viên Lê Thị Riêng (quận 10): Với 80% mảng xanh trên diện tích 8 ha với nhiều đồi, cỏ, cây cổ thụ, bồn hoa đan xen lối đi và một hồ nước xanh công viên Lê Thị Riêng có hàng cây liễu rủ tạo khung cảnh hài hoà của thiên nhiên, là điểm câu cá thư giãn cho du khách.
Công viên Lê Thị Riêng có các mô hình đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, thể dục thể thao cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân như luyện tập dưỡng sinh, đi bộ, sinh hoạt cầu lông, tennis, đá bóng, câu lạc bộ hoa lan, chim cảnh, hồ bơi, trò chơi nước, các trò chơi sinh động. Công viên còn là điểm hẹn của các chương trình xiếc, ca nhạc, hài kịch, ca nhạc tài tử, sinh vật cảnh...
Công viên Lê Văn Tám (phường Đa Kao, quận 1) có diện tích 6,24 ha, nằm giữa 4 tuyến đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu và Phan Liêm. Được đưa vào sử dụng năm 1985 sau 2 năm xây dựng công viên Lê Văn Tám được bố trí cây xanh, vườn hoa hài hòa và một số trò chơi dành cho trẻ em.
Giữa công viên có tượng đài Lê Văn Tám và vòi phun nước. Nơi đây còn tồn tại một dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm bên dưới công viên khởi công hơn 4 năm trước nhưng vẫn đang "đắp chiếu".
Công viên 23/9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) có diện tích 9,46 ha, chiều rộng 90m, dài hơn 1.100m. Điểm vui chơi này bị giới hạn bởi quảng trường Quách Thị Trang, đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi, trong đó hai tuyến Nguyễn Thái Học và Tôn Thất Tùng nối dài cắt ngang qua công viên thành 3 đoạn.
Nằm ở trung tâm thành phố nên công viên 23/9 cũng thu hút khá nhiều du khách, người dân tới vui chơi. Nơi đây có nhiều chức năng như công viên cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, đầu mối giao thông, chỗ đậu xe, tổ chức các lễ hội, hội chợ...
Công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1): Trước năm 1975, công viên này có tên là vườn Tao Đàn. Qua nhiều thời kỳ với sự quản lý của nhiều đơn vị khác nhau nơi đây vẫn giữ được bối cảnh sẵn có của nó. Đặc trưng của công viên Tao Đàn là có nhiều cây cổ thụ, mệnh danh là lá phổi lớn giữa trung tâm thành phố (diện tích 10 ha) với trên 100 chủng loại cây thảo mộc có tuổi thọ hơn 100 năm.
Đường Trương Định được che kín bóng cây chia công viên Tao Đàn làm hai phần tạo khoảng không gian mát mẻ. Bên trong còn được xây dựng đền thờ các vua Hùng, tháp Chăm, tượng đài cờ lau Đinh Bộ Lĩnh... Đây còn là một địa điểm hội tụ đầy đủ các điều kiện cho các ban ngành thành phố tổ chức các sinh hoạt lễ hội, hội chợ triển lãm hàng năm với quy mô vừa và lớn.
Công viên 30/4 (phường Bến Nghé, quận 1) có tổng diện tích mặt bằng khoảng 3,5ha với bốn khu vực, trong đó phần mảng xanh chiếm khoảng 2,3ha.
Công viên 30/4 nằm giữa các di tích lịch sử văn hóa, công trình cổ như dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố... thu hút rất nhiều du khách, giới trẻ, nhất là vào các ngày cuối tuần tới đây vui chơi, ca hát, uống cà phê bệt...để cảm nhận nhịp sống Sài Gòn.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn (phường Bến Nghé, quận 1) nằm bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, có tên ban đầu là vườn Bách Thảo (người dân quen gọi Sở thú). Đây là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Năm 1864, Đề đốc De la Grandiere ký nghị định cho phép xây dựng vườn Bách Thảo với diện tích 20 ha. Ông Jean Baptiste Louis (1833 - 1905), người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn được đánh giá là một di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng thiên nhiên, đồng thời là vườn bách thảo của thành phố và cả nước. Sau hơn 130 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai... và đang được bổ sung thêm. Hàng ngày có hàng nghìn lượt khách đến tham quan.