Quảng Ninh: Quản lý môi trường vùng bờ

16/04/2015 9:51:57 SA







 
Ảnh minh họa

Với hơn 250km đường bờ biển, Quảng Ninh lại sở hữu đa dạng các nguồn tài nguyên biển đảo. Bởi vậy, nhiều ngành kinh tế cùng khai thác, sử dụng trên một không gian bờ và biển đảo, việc quản lý tài nguyên theo mỗi ngành riêng rẽ dẫn đến xung đột về lợi ích giữa các ngành. Do đó, để bảo về tài nguyên và môi trường ven biển, Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý.

Kinh phí cho các hoạt động môi trường luôn được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, bộ máy cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến các địa phương cũng được kiện toàn. Các địa phương đều đã thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường và đã bố trí từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách công tác quản lý môi trường. Môi trường được quan tâm ở cả 3 góc độ là quản lý, chỉ đạo và đầu tư.

Quảng Ninh cũng đã sớm triển khai quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng biển, đảo và ven biển đến năm 2020; phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc lập các dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ môi trường, trọng tâm là môi trường của Vịnh Hạ Long.

Xác định nguồn gây ô nhiễm cho vùng ven biển và vùng biển đảo hiện nay chủ yếu là từ đất liền. Nên tỉnh Quảng Ninh đang đặt ra vấn đề cấp thiết cần giải quyết trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển của vùng. Theo báo cáo Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh thì hàm lượng dầu trong nước vùng ven bờ Quảng Ninh có xu hướng tăng cao trong các khu vực cảng, bến đỗ tàu thuyền như khu vực cảng tàu du lịch Bãi Cháy và bến chợ Hạ Long 1.

Tại các bãi tắm (Bãi Cháy, Bãi Dài) cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm dầu. Nguồn ô nhiễm dầu chủ yếu do tình trạng phát thải của giao thông đường thuỷ, tàu thuyền có sử dụng động cơ và một số hoạt động sản xuất công nghiệp trên bờ.

 Tại các khu vực gần cửa sông, hàm lượng chất rắn lơ lửng đã vượt từ 1,34-2,82 lần quy chuẩn cho phép đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản và bảo tồn thuỷ sản. Tại nhiều điểm quan trắc, môi trường nước biển ven bờ đã bị ô nhiễm dinh dưỡng (thông qua hàm lượng amoni) như ở khu vực xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên); phường Đại Yên và cửa sông Diễn Vọng (TP Hạ Long); ô nhiễm hữu cơ (thông qua COD) và kim loại nặng.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp rất lớn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp ven biển đang hoạt động là: Cái Lân, Hải Yên, Việt Hưng. Nguồn nước thải công nghiệp chủ yếu phát sinh từ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống với hàm lượng cao các chất hữu cơ và dinh dưỡng. Các ngành công nghiệp khai thác than, đóng tàu, cơ khí luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, cảng là các nguồn phát sinh rất lớn các chất thải nguy hại, trong đó có các kim loại nặng.

 Hàng năm, tổng tải lượng ô nhiễm từ các nguồn thải công nghiệp đưa ra vùng biển ven bờ Quảng Ninh ước tính khoảng trên 10 tấn COD (là lượng oxy cần để oxy hoá toàn bộ các chất hoá học trong nước). Nước thải hữu cơ, nước thải sinh hoạt và nước thải hoá chất là các tác nhân tạo ra các giá trị COD cao trong môi trường nước. Như vậy, mỗi năm vùng biển ven bờ Quảng Ninh tiếp nhận các nguồn thải gây ô nhiễm biển từ lục địa khá lớn. Nguồn thải này đang làm một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, bị đục hoá, các hệ sinh thái biển quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn) bị suy thoái.

Có thể khẳng định các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ ở Quảng Ninh hiện nay đã trở thành nguy cơ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven bờ và sức khoẻ con người. Đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương của tỉnh Quảng Ninh phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát và xử lý các nguồn ô nhiễm trong hoạt động hàng hải; sản xuất công nghiệp và sinh hoạt trước khi thải ra môi trường để bảo vệ môi trường sống nói chung, đặc biệt là môi trường ven biển và vùng biển đảo.

Khánh An/monre.gov.vn

Bản in