Đã vậy, ở nhiều làng nghề, có đủ loại rác thải y tế mà Bộ Y tế quy định cấm tái chế, như bơm kim tiêm, bộ dây chuyền dịch, ống dẫn lưu… để tái chế các sản phẩm đựng thức ăn. Điều này cho thấy, rất nguy hại, nhưng rác thải y tế lại đang chưa được quản lý đúng mức, nên nguy cơ cho xã hội là khó tránh khỏi.
Rác thải đi thẳng từ BV đến các làng nghề không theo quy trình giám sát nào, đang là một nguy hại, khiến Chính phủ và công luận đặc biệt quan tâm. Tại Hội thảo về vấn đề xử lý rác thải BV do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 13/4, nhiều con số được đưa ra: Không chỉ ở một số làng nghề trên địa bàn Hà Nội, mà công tác kiểm tra của Bộ Y tế còn phát hiện tình trạng rác thải y tế có mặt ở nhiều làng nghề Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều tỉnh khác, cho thấy, nhận thức của người dân, các cấp chính quyền về nguy cơ cao của chất thải y tế còn hạn chế, trong đó, có trách nhiệm của lãnh đạo các BV trong quản lý rác thải BV.
Xử lý rác thải ở bệnh viện.
Những con số mới nhất của Bộ Y tế đã chỉ ra công tác quản lý chất thải ở các BV yếu kém ra sao. Theo TS. Từ Hải Bằng, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), kết quả kiểm tra tại các BV tuyến T.Ư cho thấy: Trong 35 BV tuyến T.Ư, chỉ có 22 BV hợp đồng với công ty môi trường đô thị xử lý chất thải rắn, còn lại 13 BV tự xử lý. Trong đó, 7 BV khử khuẩn bằng công nghệ không đốt, còn 4 BV sử dụng với lò đốt 2 buồng hoặc 1 buồng. Việc các BV tự xử lý bằng lò đốt lại đa phần ở thành phố, nên có ảnh hưởng đến môi trường không khí của dân cư khu vực.
Mặc dù rác thải y tế rất nguy hại cho sức khỏe người dân, nhưng việc phân loại, thu gom ở hầu hết các BV đều làm chưa tốt: Ở BV Lão khoa T.Ư, không chỉ túi đựng chất thải chưa hợp lý, mà BV còn chưa bố trí được khu vực lưu giữ chất thải tạm thời. Cùng với phân loại chất thải y tế chưa đúng, khu lưu giữ chất thải rắn y tế của BV Da liễu T.Ư còn bẩn thỉu.
Chất thải thông thường ở BV K vẫn chưa được thu gom vào thùng theo quy định, trong khi khu lưu giữ chất thải tái chế còn để dưới gầm cầu thang, dễ làm vương vãi, mà đúng ra phải có phòng lưu giữ tạm thời. Ở BV E, xe lưu trữ chất thải thông thường để không đúng nơi quy định, cũng không có mái che, nên dễ gây ô nhiễm và cũng chưa có khu lưu trữ riêng chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học...
Xử lý nước thải BV rất quan trọng vì nếu không, dễ là nguồn lây bệnh. Thế nhưng, cũng chỉ một số BV như Việt Đức, BV E là có hệ thống thu gom nước mưa tách riêng với hệ thống thu gom nước thải, còn nhiều đơn vị như BV K mới chỉ có hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước thải tách riêng ở cơ sở 3, còn cơ sở 1 và 2 chưa tách riêng. Vì thế, khu vực xung quanh trạm xử lý nước thải ở cơ sở 1 có mùi rất hôi. Hầu hết các BV đều chưa quan tâm đến vấn đề quan trắc chất thải ở các labo.
Một số BV có hệ thống thu gom xử lý nước thải nhưng không đạt yêu cầu, khi nước thải tràn ra ngoài, hoặc có khu vực xử lý chất thải, nhưng khi đoàn kiểm tra đến thì cỏ mọc trước khu vực đến ngang ngực chỉ vừa được cắt, còn nắp để đổ hóa chất xử lý chưa từng được mở. Vì thế, kết quả kiểm nghiệm cho thấy E.coli rất cao. Nhiều nơi, rác thải như bơm kim tiêm, lọ thuốc đã sử dụng còn để tạm ngay tại phòng làm việc của cán bộ y tế mà không biết rằng, dù lượng ít, nhưng do tích lũy và tiếp xúc nhiều ngày nên vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong khi việc kiểm tra giám sát nhắc nhở lại bỏ quên...
Theo TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), lò đốt chất thải y tế có nguy cơ phát sinh dioxin nếu việc xử lý rác thải, vận hành lò đốt không đúng hướng dẫn, nhất là nếu không có hệ thống xử lý khí thải, còn những lò xử lý chất thải thông thường thì không lo phát sinh dioxin. Vì thế, cần rà soát lại lò đốt rác của các BV xem có vận hành đúng quy trình không,
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xử lý chất thải y tế được các BV Lao phổi T.Ư, BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên cho biết, là không có vốn đầu tư. Các chuyên gia gợi ý việc xã hội hóa vấn đề xử lý chất thải y tế, vì việc thuê bên ngoài xử lý, giá cả tương đương mà lại chuyên sâu và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vao trò rất quan trọng của việc quản lý và xử lý rác thải BV, sẽ góp phần phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện về chính sách, cơ chế đặc biệt để giải quyết bài toán về chất thải y tế hiện nay.
Theo Thanh Hằng (Công An Nhân Dân)