Nuôi tôm tự phát và những cái hồ trơ đáy

23/04/2015 9:56:33 SA

Những năm trước đây chính nhờ con tôm mà không ít người dân ven biển Quảng Nam đã đổi đời, thậm chí còn kéo cả những người con xa xứ trở về quê nhà làm ăn. Nhưng cũng vì tôm người dân không ngần ngại triệt phá cả những rừng thông ven biển – lá chắn sống ngăn gió bão. Vì con tôm mà hiện nay họ phải lâm cảnh nợ nần, đất đai hoang hóa, nhiễm mặn, môi trường bị ô nhiễm nặng…

Rừng dương bị tàn phá không thương tiếc. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Rừng dương bị tàn phá không thương tiếc. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Rầm rộ phá rừng nuôi tôm

Khi phong trào nuôi tôm rầm rộ diễn ra thì nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tận dụng đất vườn, đất trồng cây lâu năm, đất hoa màu để đào ao hồ nuôi tôm. Dọc đường Thanh Niên, từ huyện Thăng Bình vào huyện Núi Thành, người dân đua nhau chặt phá cây cối làm ao nuôi tôm, khiến những cánh rừng thông giờ tan hoang trong nắng gió. Ngoài ra, cùng với nạn lấn sông làm hồ nuôi tôm khiến dòng Trường Giang tại nhiều điểm đã bị thu hẹp.

Giải quyết vấn nạn này, chính quyền địa phương và UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức ngăn chặn, tịch thu các phương tiện làm hồ và xử phạt hành chính, thế nhưng mọi việc vẫn đâu vào đó. Như huyện Thăng Bình từng có tới 60 hộ bị xử phạt hành chính, thế nhưng chỉ sau một đêm sáng ra vườn nhà lại thành hồ nuôi tôm. Hay như tại Bình Hải có con đê dài hơn 1 km tồn tại từ lâu đời nhằm chắn cát, chắn sóng, gió bão giờ bị người nuôi tôm phá nát nhiều đoạn. UBND xã Tam Tiến cũng cho biết, có lúc tại địa phương số người đào ao nuôi tôm trái phép lên đến 225 hộ, với diện tích gần 20 ha. Còn theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, cách đây 1 năm diện tích nuôi tôm trái phép ở hai huyện Núi Thành và Thăng Bình đã lên đến 222 ha, với hàng trăm hộ nuôi.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã nhiều lần thành lập các đoàn kiểm tra yêu cầu các địa phương có biện pháp cứng rắn, quyết liệt để ngăn chặn việc bùng phát nuôi tôm trái phép nhưng chẳng những không ngăn chặn được mà nhiều nơi những rừng dương bao đời là lá chắn sống bảo vệ các làng chài ven biển bị tàn phá không thương tiếc. Người dân chạy vạy, vay mượn tiền, cày xới rừng, vườn, đào hồ nuôi tôm.

Hồ nuôi tôm giờ trơ đáy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Hồ nuôi tôm giờ trơ đáy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Ao hồ trơ đáy

Núi Thành được cho là vựa tôm của tỉnh, vì diện tích ao hồ nuôi tôm có lúc lên đến 1.608 ha, Thăng Bình, Tam Kỳ cũng được mệnh danh là cánh đồng tôm. Thế nhưng những ngày qua chúng tôi đi dọc theo tuyến ven biển, tận mắt chứng kiến những cánh đồng tôm mênh mông trơ đáy. Dọc sông Trường Giang thuộc các xã Tam Tiến, Tam Phú, Tam Hiệp,… là những nơi trước đây có những hồ ao nuôi cho lãi hàng trăm triệu/ha, giờ đây cũng bỏ trống.

Anh Nguyễn Cường, ở xã Tam Hiệp, Núi Thành cho biết: “Vốn liếng dành dụm cả đời tôi đổ vào 15 sào hồ tôm. Nhưng nuôi tôm như đánh bạc với trời, giờ thì cả trăm triệu đồng đã trôi theo tôm khiến gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất. Còn anh Phạm Văn Minh ở xã Tam Phú chua xót: “Gia đình tôi lập nghiệp ở Tây Nguyên nghe quê nhà nuôi tôm làm giàu nhanh, thế là quay về, mang theo cả trăm triệu vốn liếng dành dụm bao năm xa xứ đổ vào 2 hồ tôm. Qua 2 năm nuôi tôm bay sạch cả vốn liếng còn phải gánh nợ ngân hàng trên 50 triệu đồng”.

Dọc theo con đường nắng chói chang ven biển chúng tôi nghe nhiều tâm sự chát đắng, chứng kiến những ao, hồ nuôi tôm bỏ hoang. Thậm chí ở các xã như Tam Hòa, Tam Hải, Tam Xuân, Tam Phú,… tình trạng ao nuôi bị bỏ hoang đếm không hết. Những ao hồ nuôi tôm nằm trước mặt nhà, sau lưng nhà trơ đáy. Trên bờ những căn lều xây dựng tạm bợ, sơ sài là chỗ ăn ở của người giữ ao tôm giờ đây cũng mặc cho nắng, mưa hoang tàn đổ nát.

Nguy hiểm là nhiều cánh rừng thông là lá chắn sống cho mưa bão, nhiều diện tích đất sản xuất, nhiều vườn tược bị cày xới để nuôi tôm. Để rồi giờ đây những làng chài ven biển phải trơ mình gồng gánh gió bão. Những cánh đồng tôm nhiễm mặn phơi mình trong nắng mưa.

Nguyên nhân của tình trạng này ngoài ô nhiễm môi trường còn do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bão lũ thất thường cộng với con tôm không có đầu ra, bị tư thương ép giá…Cụ thể, tại các hồ nuôi tôm dọc sông Trường Giang, người nuôi tôm cứ vài ngày thay nước là xả nước ra sông và bơm nước từ sông trở lại. Trong khi đó, nước trong hồ cùng các loại hóa chất và các chất cặn bã trong thức ăn của tôm được xả thẳng ra sông. Sau khi hòa vào nước triều lên lại được bơm trở lại ao tôm khiến tôm thường xuyên bị dịch bệnh.

Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, nơi có gần 300 hộ thả nuôi cả ngàn ao tôm thừa nhận: “Đa số người nuôi tôm dọc sông Trường Giang đều xả nước thải trực tiếp từ ao tôm ra sông. Việc làm này khiến sông bị ô nhiễm ở mức đáng báo động”.

Người dân đi nhặt xác tôm chết. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Người dân đi nhặt xác tôm chết. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Đến nợ nần chồng chất

Thống kê của Phòng kinh tế huyện Núi Thành cho thấy, số nợ từ khoản vay khai thác và nuôi trồng của người dân trên toàn huyện có lúc lên đến 58 tỷ đồng. Trong đó nợ của người nuôi tôm từ các ngân hàng ước tính đã lên đến trên 30 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản nợ người nuôi tôm Núi Thành vay mượn từ các nguồn khác. Như hộ gia đình ông Lương Khang ở xã Tam Hiệp, đầu tư 400 triệu đồng vào 16 sào ao nuôi tôm thế nhưng bị thua lỗ liên tiếp, nợ chồng lên nợ.

Đáng nói là không chỉ người nuôi tôm mắc nợ mà các đại lý bán thức ăn cũng phải ôm nợ. Bà Nguyễn Thị Luận, ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành là đại lý cung cấp thức ăn cho tôm chua xót: “Hiện nay các chủ ao nuôi tôm ở các xã Tam Hải, Tam Hòa đã nợ tiền mua thức ăn cho tôm của tôi lên đến 12 tỷ đồng. Ngày nào gia đình tôi cũng lặn lội đến từng nhà đòi nợ nhưng đều về không vì tôm mất giá, tôm chết họ cũng trở nên trắng tay”.

Không chỉ bà Luận nhiều đại lý thức ăn cho tôm khác cũng rơi vào cảnh chủ nợ với số tiền lên đến trên 10 tỷ đồng. Một đại lý khác cho biết: “Gia đình tôi làm đại lý thức ăn nuôi tôm nhiều năm rồi, nhưng chưa thấy năm nào như năm vừa rồi. Số tiền nợ bán thức ăn cho tôm đến thời điểm này đã lên hơn 10 tỷ đồng, có hộ nợ hơn 1 tỷ đồng mà không cách chi thu hồi được”.

Những hệ lụy từ nuôi tôm nói trên chính là hậu quả của việc người dân ven biển tỉnh Quảng Nam bất chấp rủi ro, cảnh báo của chính quyền, rầm rộ chạy theo phong trào nuôi tôm tự phát…

Theo Tấn Thành/ Đại Đoàn Kết

Bản in