Thiếu quy hoạch và công nghệ xử lý rác thải

23/04/2015 10:13:17 SA

Ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân... đó là những thực tế tại nhiều khu xử lý, bãi rác thải hiện nay khiến người dân địa phương thường phản đối các dự án xử lý rác.

Sống chung ô nhiễm

Thôn Xuân Thịnh (xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) nằm cách bãi rác Nam Sơn chỉ khoảng 300 m. Vừa bước chân đến đầu thôn đã thấy ngay mùi hôi của rác thải, dù bịt khẩu trang cũng vẫn thấy mùi ngai ngái xộc vào mũi. Đến thăm nhà ông Vũ Tiến Lực, trưởng thôn Xuân Thịnh mới thấm thía nỗi khổ của bà con nơi đây. 

Đứng ngay ở hè nhà ông Lực là đã có thể nhìn thấy từng đống rác cao, nhấp nhô như những quả núi trong khu bãi rác Nam Sơn. Một tay rót nước mời khách, một tay... xua ruồi, ông Lực cho biết, thôn Xuân Thịnh có 40 hộ với 156 nhân khẩu, nằm ngay sát bãi rác 300 m nên chịu ảnh hưởng nặng nề về ô nhiễm không khí và nước sinh hoạt. 

“Những hôm trời nồm, có gió bắc thì có bịt khẩu trang, trùm chăn cũng không ngủ được vì mùi quá hôi thối. Còn nước giếng thì cũng ngả màu đen...”, ông Lực kể.


Người dân xung quanh bãi rác Thung Trâu (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) bức xúc vì bãi rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân sống trong khu vực. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Bãi rác Nam Sơn được đưa vào sử dụng từ năm 1999 với diện tích 83,5 ha, mỗi ngày tiếp nhận hơn 4.000 tấn phế thải, rác thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội. Nằm sát bãi rác Nam Sơn là 3 xã: Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ, thì cả 3 xã đều có tình trạng ô nhiễm. 

Ông Nguyễn Tiến Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết, thống kê của trạm y tế xã cho thấy, những năm gần đây, bệnh về đường hô hấp có biểu hiện tăng đáng kể. Thường 3 tháng một lần, công ty môi trường tiến hành quan trắc môi trường 1 lần, nhưng chưa thể hiện hết được mức độ ô nhiễm. 

“Chúng tôi phải sống chung với rác, ăn ngủ với mùi hôi thối, mặc dù cơ quan quản lý đã có những chính sách hỗ trợ như cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, cấp nước sạch cho người dân, tuy nhiên cũng không thể bù đắp được những thiệt hại do ô nhiễm từ bãi rác gây nên”, ông Vận cho biết.

Tình trạng trên không phải là hiếm gặp tại các bãi, khu xử lý rác thải hiện nay. Công nghệ lạc hậu, ô nhiễm tại các khu xử lý rác thải này đã khiến nhiều người dân bức xúc. Cuối năm 2014, tại thôn Bản Sau, xã Kỳ Phú (Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), hàng trăm người dân kéo ra đường chặn xe chở rác vào trong bãi rác Thung Trâu, đóng trên địa bàn để phản đối bãi rác gây ô nhiễm. 

Theo phản ánh của người dân tại đây, bãi rác Thung Trâu được đưa vào hoạt động từ năm 2001, là nơi chứa rác của thị trấn huyện Nho Quan và một số xã lân cận với hơn 20 tấn rác thải mỗi ngày nhưng việc xử lý rác rất lạc hậu, đổ tràn lan đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân xung quanh.

Bài toán khó

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tổng lượng chất thải rắn của cả nước phát sinh ước tính khoảng 28,5 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 19 triệu tấn/năm.

Hình thức xử lý chất thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp chất thải có quy mô trên 1 ha, trong đó chỉ có 121 bãi là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại 337 bãi là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, phần lớn là bãi chôn lấp tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, mặc dù đã có những quy định về tiêu chuẩn các khu chôn lấp rác thải nhưng thực tế, đa số các bãi chôn lấp hiện chỉ đơn thuần là nơi đổ rác, chưa được quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đúng quy định; vị trí gần khu dân cư, cách 200 - 500 m, thậm chí có bãi chỉ cách 100 m, không có lớp chống thấm ở thành và đáy ô chôn lấp; không có hệ thống thu gom và xử lý nước rác, khí rác nên gây ô nhiễm đất, nước, không khí và hệ sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Việc nghiên cứu xem xét các công nghệ tiên tiến là một bài toán khó vì phải đồng bộ từ phân loại, thu gom cho đến xử lý rác thải với chi phí lớn. “Hiện nay, mỗi tỉnh, mỗi địa phương mạnh ai người nấy thực hiện, chủ yếu xử lý ở quy mô nhỏ lẻ, chi phí thấp, không đảm bảo và ô nhiễm. Do vậy, cấp thiết phải có quy hoạch, quyết định mang tầm cỡ quốc gia để đồng bộ hóa trong xử lý. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó, khi hầu hết các địa phương đều không muốn nhận về khu xử lý rác thải vì tâm lý e ngại, sợ ô nhiễm”, ông Hoàng Dương Tùng cho biết.

Theo Thu Trang (Báo Tin Tức
Bản in