Theo ông Werner Kossmann, Cố vấn trưởng dự án Hỗ trợ năng lượng tái tạo Việt – Đức (RESP) tỉnh Hậu Giang là nơi đầu tiên của Việt Nam dự án này đang triển khai thí điểm qui hoạch năng lượng sinh khối.
Với 3 nhà máy chế biến đường tại tỉnh Hậu Giang lượng bã mía tồn dư bình quân 350 tấn/ngày. (Ảnh: Phong Vân)
Từ tháng 10/2014 đến nay, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3 đã tiến hành khảo sát, thu thập số liệu, đưa ra hiện trạng, các phương pháp luận để đánh giá tiềm năng sinh khối, bước đầu hình dung được “toàn cảnh bức tranh sinh khối” của tỉnh, qua đó đánh giá: Hậu Giang có nguồn nguyên liệu ổn định, giàu tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối. Đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp xay xát, 3 nhà máy đường hoạt động 7 tháng/năm. Hàng năm, chỉ tính riêng lượng trấu sinh ra khoảng 229.000 tấn, tồn dư bã mía 350 tấn/ngày.
Ngày 21/4, GIZ phối hợp Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội thảo tham vấn giữa kỳ, ghi nhận thêm ý kiến đóng góp về giá thành, giá thu gom, vận chuyển của các phụ phẩm nông nghiệp, qui hoạch tăng tính khả thi của dự án. Dự kiến tháng 8/2015, GIZ sẽ hoàn thành báo cáo cuối cùng gửi về Bộ Công thương.
Ông Werner Kossmann, cho biết dự án sẽ giúp tỉnh hiểu, đánh giá môt cách chính xác tiềm năng sinh khối hiện có, đồng thời có thể tạo sự quan tâm và tìm nhà đầu tư cho các dự án về năng lượng sinh học cấp tỉnh trong tương lai. GIZ mong muốn dự án RESP sẽ là phương án hữu hiệu giải quyết được vấn đề nhu cầu sử dụng điện hiện nay, đóng góp tích cực cho quá trình giảm thiểu tác hại của hiệu ứng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Phong Vân/Báo Tài nguyên & Môi trường |