Phải phân loại chất thải tại nguồn trước khi nhập khẩu về Việt Nam

05/05/2015 11:32:18 SA

Hàng loạt thùng phuy sắt chứa hóa chất phế liệu chưa qua xử lý tại Vũng Tàu. (Nguồn ảnh: TTXVN)


Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.

Đây là một trong những quy định quản lý chất thải tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải (bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu) vừa được Chính phủ ban hành.

Theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu phải tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, sản xuất sạch hơn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường có liên quan. 

Cụ thể, nước thải phải được thu gom, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại cơ sở phát sinh trước khi thải ra môi trường.

Trường hợp tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ: Các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp và phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc chuyển đi xử lý.

Chủ nguồn thải, chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đồng thời có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại.

Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.

Việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

Tổ chức, cá nhân sử dụng các phương tiện vận chuyển đặc biệt như container, phương tiện đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển hoặc các phương tiện vận chuyển không được ghi trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nghị định này có hiệu thực thi hành kể từ ngày 15/6/2015.

Theo TTXVN

Bản in