Giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động xây dựng và dân sinh

05/05/2015 2:52:59 CH
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các khu đô thị cao tầng, các tuyến đường, cây cầu đang và sẽ được xây dựng mạnh mẽ ở các vùng miền đất nước. Tuy nhiên các tác động của các công trình này đối với môi trường đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp, các  ngành.
Báo động ô nhiễm từ hoạt động xây dựng và dân sinh
 
Mặc dù chưa có thống kê một cách đầy đủ về số lượng các doanh nghiệp và công trình xây dựng đang hoạt động, tuy nhiên theo Báo cáo Môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố vào cuối năm 2014 cho thấy, số lượng doanh nghiệp xây dựng tăng lên từ 27.867 vào năm 2008 lên 44.1843 năm 2011. Đến nay, các hoạt động xây dựng, thi công nhiều công trình lớn vẫn diễn ra khắp các địa phương cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn. Các tác động tiêu cực từ hoạt động này đã gây ảnh hưởng đến môi trường không khí và cuộc sống của người dân như ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ..
 
Đơn cử như Hà Nội luôn được coi như một “công trường” lớn. Trên địa bàn thành phố luôn có tới hàng trăm công trình xây dựng lớn, nhỏ được thi công. Trong đó có đến hàng chục dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, các khu đô thị mới, quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài hàng năm, gây ô nhiễm bụi cả khu vực rộng lớn.
 
Ngoài ra, hàng tháng còn có khoảng hàng nghìn mét vuông đường bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Thành phố hiện nay có khoảng hàng trăm điểm tập trung buôn bán vật liệu xây dựng. Mà phần lớn những điểm buôn bán không có đủ điều kiện kinh doanh bảo đảm vệ sinh môi trường, diện tích nhỏ hẹp, không có hàng rào che chắn, thường sử dụng vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu, vì vậy luôn phát tán bụi vào môi trường. Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi ở Hà Nội vẫn ở mức cao.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến đường như Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội); Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) hay các “điểm nóng” thường xuyên xuất hiện nhiều bãi phế thải xây dựng (khu vực đường Bưởi, đường Lạc Long Quân, đường Lê Văn Lương...) đang là một trong những nơi ô nhiễm lớn về khói bụi, khiến người tham gia giao thông hàng ngày phải “nín thở” mỗi khi đi qua.
 
Cùng với đó, nhiều tuyến đường giao thông lâu nay cũng trở thành bãi tập kết lý tưởng của dân đổ trộm bùn đất, phế thải vật liệu xây dựng. Cách cầu Hà Ðông khoảng 50 m, bãi rác thải, phế liệu xây dựng được đổ ngay trên bờ sông.
 
Đoạn đường Hà Ðông có thể thấy rất nhiều xe thồ, xe cải tiến ùn ùn chở cát, sỏi, vật liệu xây dựng... vương vãi khắp đường, làm mất mỹ quan đường phố và gây cản trở người tham gia giao thông. Hay những khu đô thị mới đang trong giai đoạn xây dựng cũng được dân đổ trộm phế liệu, phế thải vật liệu xây dựng lựa chọn. Các khu đô thị như Mỹ Ðình, Yên Hòa... thường xuyên xuất hiện những đống phế liệu xây dựng không rõ nguồn gốc.
 
Cùng với đó là các hoạt động dân sinh như đốt các nhiên liệu hoá thạch (than đá, dầu hoả và khí đốt), củi,... hay việc đốt các chất thải không kiểm soát cũng góp phần làm tăng các chất ô nhiễm trong không khí.
 
Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2014, hiện nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động dân sinh tại các khu đô thị đã giảm nhiều do điều kiện sống được cải thiện và sự thay đổi thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, tại khu vực ngoại thành trong sinh hoạt và chăn nuôi vẫn sử dụng than, củi, khí, rơm rạ... làm phát sinh các khí ô nhiễm.
 
Đặc biệt, trong sinh hoạt, dịch vụ của người dân cũng thải ra một lượng rác rất lớn, lượng rác tồn đọng lâu ngày không được thu rọn cũng gây ra ảnh hưởng đối với môi trường không khí. Tất cả các hoạt động này gây khó khăn cho việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí của thành phố.
 
Xây dựng hệ thống quan trắc, kiểm soát ô nhiễm
 
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc không thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường tại các công trường xây dựng đang hoạt động trên cả nước (xây dựng, sửa chữa nhà cửa, đường xá, vận chuyển nguyên vật liệu) đã và đang gây ra ô nhiễm không khí.
Bởi vậy, để khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng tại địa phương cần tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư; xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và khu công nghiệp. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quy định vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng công trình.
 
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT) trước mắt, Hà Nội và những địa phương đang triển khai nhiều hoạt động xây dựng cần xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, ít nhất là 10 trạm quan trắc.
 
Nhiều chuyên gia khác đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng không khí ở Hà Nội như cần tuyên truyền người dân giảm thiểu đun nấu bằng than, tăng sử dụng năng lượng mặt trời.
 
Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu chất lượng không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam tiếp tục đi xuống, các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
 
Để cải thiện môi trường không khí hiện nay, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai "Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn" đến năm 2020, nhằm bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí cố định để đánh giá sự thay đổi chất lượng không khí và các yếu tố khí tượng.
 
Sở sẽ xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 3 trạm quan trắc tự động liên tục, cùng với các trạm đã có và các điểm quan trắc định kỳ theo hệ thống mạng lưới quy hoạch mới, trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
BL
(ĐCSVN)
Bản in