Phá Tam Giang chạy dài 27 km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương (Huế) với diện tích 5.200 ha. Tam Giang – Cầu hai được coi là một trong những vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á.
Đây chính là vùng điều hòa khí hậu giữa hai vùng cát, điều tiết lũ lụt và hạn chế nguy cơ ngập úng cho vùng đồng bằng. Ngoài ra, phá Tam Giang – cầu Hai có chức năng duy trì nước ngầm vùng đồng bằng ven bờ và vùng đất cát ven biển, duy trì nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; là nơi tự phục hồi chất lượng nước trước khi đổ ra biển (tích tụ lắng đọng chất thải) để bảo vệ cho môi trường biển được trong sạch.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt
Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày một ảnh hưởng trực tiếp đến vùng phá Tam Giang – Cầu Hai (huyện Phú Vang). Rõ nét nhất là hiện tượng nước biển dâng và sạt lở đất.
Địa hình các xã trên địa bàn huyện Phú Vang khá phức tạp. Một bên là biển, một bên là phá, khoảng cách có đoạn chưa đầy 1km, do đó dọc hai bên bờ biển đang chịu ảnh hưởng của sạt lở và nước biển dâng. Chỉ tính riêng trong vòng 5-7 năm trở lại đây, nước biển lấn sâu bình quân 3-5m, có đoạn sâu nhất trên 10m. Đặc biệt khu vực có cư dân định cư vạn đò sinh sống như xã Phú Hải, Phú Diên, Thị trấn Thuận An, Vinh Xuân, Vinh An, Vinh Thanh hàng năm phải di dời một số lượng lớn những hộ nằm trong vùng sạt lở.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Vang, từ năm 2007 đến 2014, toàn huyện đã di dời và định cư 470 hộ, trong đó có gần 100 hộ di dời do sạt lở. Trước những tác động ngày càng lớn của BĐKH, người dân sống xung quanh đang rất lo lắng, bất an, điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân khu vực ven biển và đầm phá, nhất là các hộ định cư vạn đò.
Trong thời gian gần đây, mức độ ảnh hưởng của BĐKH biểu hiện qua những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên, cường độ ngày càng mạnh và bất thường, diễn biến phức tạp và trái với mọi quy luật mà con người đã khám phá. Số liệu cung cấp từ các nghiên cứu cho thấy, trong vòng 20 năm trở lại đây trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói chung và vùng đầm phá Tam Giang nói riêng, các hiện tượng như bão mạnh, lũ lớn, lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới xuất hiện liên tục đã làm chết hàng trăm người, thiệt hại nghiêm trọng về vật chất.
Bên cạnh đó, hậu quả của bão và áp thấp nhiệt đới còn gây ra lũ lụt do mưa lớn. Bão kết hợp lũ là hình thế thời tiết rất nguy hiểm gây nhiều thiệt hại như cơn bão năm 1985, cơn lũ 1999. Những cơn bão liên tiếp trong năm 2006, 2009 và 2013 cũng đã gây ảnh hưởng lớn đối với những hộ nuôi trồng sinh thái và đánh bắt ven biển, đầm phá.
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Dưới tác động của BĐKH, hệ sinh thái (HST) cũng thay đổi theo thời gian. Hai cửa phá Tam Giang-Cầu Hai là 2 địa điểm tiếp biến, giao thoa giữa HST đầm phá và HST ven biển, giúp cho nguồn sinh vật phong phú, đa dạng, là nơi vào ra của tàu thuyền.
Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến môi trường, khu vực địa lý, thủy văn thay đổi (nước biển vào, các dòng sông đổ về) làm ngọt hoặc mặn hóa nguồn nước, kéo theo đó là sự thích nghi hoặc loại bỏ các loài trong hệ đầm phá đã làm hạn chế nguồn lợi thủy sinh. Nhiều loài động vật trên cạn có giá trị buộc phải di cư, một số loài thực vật, loài cá biến mất do thay đổi môi trường, dòng nước,thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển.
Với việc tích hợp mức độ các hiện tượng thời tiết trên, cư dân sống ven biển và khu vực đầm phá Tam Giang đang từng ngày phải đối mặt với những thách thức và khó khăn do BĐKH gây ra.
Nhiều giải pháp được đề ra
Nhằm giảm thiểu các nguy cơ do tác động, ảnh hưởng của BĐKH, các nhà khoa học đã nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như: Diện tích đất trên địa bàn một số xã hạn chế, do đó cần chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp, ao hồ, đất sử dụng vào mục đích khác để quy hoạch đất ở dự phòng nhằm di dời những hộ đang nằm trong diện sạt lở và nguy cơ sạt lở cao vào nơi an toàn; Quy hoạch mặt nước đầm phá, di dời chuyển đổi ngư cụ, phân vùng đánh bắt cố định, vùng đánh bắt di động, đảm bảo giao thông đi lại tàu thuyền, đảm bảo lưu thông mặt nước đầm phá trước những cơn lũ lớn.
Ngoài ra, nên trao quyền quản lý mặt nước cho các Chi hội nghề cá nhằm hạn chế (đi đến cấm triệt để) những nghề đánh bắt hủy diệt, những hoạt động khai thác trái phép làm suy thoái tài nguyên, hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường đầm phá; Quy hoạch xây dựng, phát triển các Khu bảo vệ thủy sản nhằm bảo vệ, phục hồi, cần bằng sinh thái vùng đầm phá, điều hoà môi trường và nguồn giống thủy sản.
Bên cạnh đó cần kêu gọi đầu tư, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực để trồng hệ thống cây chắn gió, chắn sóng, cây ngập mặn dọc hai bên bờ biển và ven phá, xây dựng hệ thống đê kè ở những vùng xoáy xung yếu, vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở cao nhất; Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết bất thường như bão, lũ lụt, hạn hán…
Thường xuyên nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng bằng các biện pháp truyền thông (truyền hình, truyền thanh, tờ rơi, panel, hình ảnh…); lồng ghép vào chính sách phát triển kinh tế-xã hội địa phương; tập huấn và trang bị kiến thức về phòng tránh thiên tai, phòng tránh rủi ro trước những tác động của thiên tai, hay rộng hơn là BĐKH.
Theo Ngân An/ Báo Tài nguyên & Môi trường |