Xử lý rác tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tồn tại nhiều điều phi lý

14/05/2015 8:45:00 SA

Việc xử lý rác thải tại Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều điều phi lý (Ảnh minh họa: Quốc Đạt/TTXVN)


Lượng rác tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vào khoảng hơn 7.000 tấn/ngày và tăng trung bình 8% mỗi năm. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 2 khu xử lý rác chính là Đa Phước, Phước Hiệp. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý rác Việt Nam (VWS) làm chủ đầu khu xử lý rác Đa Phước. Công ty Môi trường đô thị, công tyVietstar và Tâm Sinh Nghĩa xử lý rác tại khu xử lý rác Phước Hiệp. 

Nhưng việc chia rác tại Thành phố Hồ Chí Minh ra xử lý lại tồn tại nhiều điều phi lý khiến ngân sách-tiền thuế của dân phải bội chi hàng triệu USD hàng năm.

Kỳ 1: Đa Phước “một mình một chợ”!

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý rác Việt Nam (VWS) thực hiện công trình xử lý rác Đa Phước với mức xử lý mới được cập nhật gần nhất là 10.000 tấn/ngày theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) - cao hơn so với lượng rác hiện hữu mỗi ngày của thành phố (khoảng 7.000 tấn/ngày, thời điểm theo báo cáo ngày 1/4/2015.) 

Tuy nhiên, nếu đối chiếu lại các hồ sơ trước đây thì có thể thấy công ty VWS được hưởng rất nhiều ưu đãi hết sức bất thường.

Một hợp đồng phi lý?

Khi đối chiếu hợp đồng xử lý rác mà Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ký kết với công ty VWS, phóng viên đã phát hiện ra hơn 20 điểm bất hợp lý mà ở đó VWS là đơn vị hưởng lợi gần như tuyệt đối từ các ưu đãi về đất, thuế, tiến độ khởi công công trình và vận hành công trình, xây dựng hạ tầng đường sá phục vụ công trình, xử lý phát sinh, giá xử lý rác và phương thức thanh toán...

Phóng viên đã đối chiếu lại điều XX1.2 của hợp đồng với một số văn bản khác liên quan thì thấy khoản tiền trả trước của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh để xây cầu vào bãi xử lý rác Đa Phước là 9 triệu USD; nhưng trên thực tế báo cáo của doanh nghiệp ngày 18/2/2013 cho thấy khoản đầu tư cho cầu chỉ là 11.175.509.135 đồng (khoảng 537.000 USD.)

Cũng với khoản tiền trả trước này (9 triệu USD), công ty VWS được ưu đãi hạch toán trong vòng 22 năm - một điều kiện ưu đãi cực kỳ có lợi cho doanh nghiệp và cũng không hề căn cứ vào quy định nào của pháp luật. Đây là một ưu đãi vô tiền khoáng hậu và việc giải ngân, quyết toán ngân sách số tiền này theo quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phải được đấu thầu rộng rãi, phải được nghiệm thu và quyết toán đã không được thực hiện. 

Một chi tiết đáng chú ý liên quan là trong báo cáo tài chính của VWS, bà Huỳnh Thị Lan Phương-Phó tổng giám đốc VWS đã vay không lãi suất 100 tỷ đồng (gần 5 triệu USD) mà không rõ mục đích là gì? 

Cũng là doanh nghiệp xử lý rác nhưng các đơn vị khác đều phải chấp nhận phương án ấn định giá trong khi khu xử lý rác Đa Phước lại được thỏa thuận về giá và tăng giá xử lý rác (Điều IX.2 của hợp đồng). Mức giá cho chủ đầu tư Đa Phước cao hơn các đơn vị khác rất nhiều và hàng năm được tăng thêm 3% (trong phụ lục hợp đồng), điều mà các đơn vị xử lý rác khác không hề được nhận và chắc là không doanh nghiệp nào tại Việt Nam có được.

Các doanh nghiệp khác từ công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến công ty tư nhân đều nhận rác và tự phân loại rồi tái chế thành phân bón, thành nhựa. Chỉ riêng khu xử lý rác Đa Phước được đặc cách khi rác được giao về đây phải phân loại trước. Cho đến nay, khu xử lý rác Đa Phước vẫn không tái chế rác thải và chỉ chôn lấp rác với giá rất cao trong khi các doanh nghiệp khác thực hiện tự phận loại (thêm công đoạn, tăng chí phí), tái chế rác (đầu tư cao, giải quyết ô nhiễm triệt để hơn) nhưng lại bị trả giá thấp hơn Đa Phước.

Không chỉ có thế, công ty VWS được ưu đãi hết mức về đất đai và hạ tầng khi được ưu đãi miễn phí và thuế để sử dụng hạ tầng và xuất nhập khẩu (điều VI.2, khoản p của hợp đồng). VWS còn giữ quyền tính toán số lượng rác thải thực tế thu gom về bãi rác Đa Phước còn Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh không có quyền gì, nhưng phải thanh toán mọi khoản phát sinh (điều XI.2.) 

Điều khoản này cũng tính giá trị hợp đồng bằng USD, vi phạm nguyên tắc nhà nước về giao dịch bằng đồng nội tệ. Đồng thời, quy định số tiền giao dịch được chuyển đổi theo tỷ giá bằng giá bán ra ngoại tệ (thông thường phải dùng tỷ giá giao dịch chuyển khoản hoặc trung bình tỷ giá mua vào và bán ra.)

Trong khuôn khổ bài báo này, người viết khó có thể liệt kê toàn bộ những ưu thế của công ty VWS với bản hợp đồng luôn đưa Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vào thế bất lợi. Và giả sử nếu có những phát sinh, tranh chấp hay sự cố (ví dụ như đình công) thì đơn vị trách nhiệm giải quyết theo hợp đồng thì công ty VWS luôn ở thế thượng phong so với đối tác. Nhưng bao nhiêu đó vẫn là chưa đủ để nói lên các ưu thế để có thể trở thành đơn vị xử lý rác độc nhất vô nhị ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung...

“Một mình một chợ”!

Nói khu xử lý rác Đa Phước “một mình một chợ” thì cần căn cứ vào 2 văn bản sau: Thứ nhất, văn bản số 475 vào tháng 6/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo công ty Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp. Ngày 17/10/2014, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản 5363 cho Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp và chuyển rác sinh hoạt về Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (thuộc công ty VWS) với lý do “công nghệ chôn lấp có nguy cơ gây ô nhiễm”.

Hai văn bản này đã khiến công trình bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp (được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) phải đóng cửa dù đang hoàn thành 2/3 tổng số hạng mục công trình. Ngược lại, bãi xử lý rác Đa Phước nhận xử lý rác từ mức 45% vọt lên 75% tổng số rác của Thành phố Hồ Chí Minh do nhận lượng rác tăng thêm (2.000 tấn/ngày) từ bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp. 

Tính đến hết năm 2013 (trừ các năm 2008 và 2009), công ty VWS phải nộp thuế VAT tổng cộng chỉ khoảng 39 tỉ đồng trong khi theo báo cáo kiểm toán của Ernst & Young Vietnam thì lợi nhuận sau thuế của VWS năm 2012 khoảng 142 tỷ đồng, và lợi nhuận năm 2013 thì “khiêm tốn” hơn, khoảng 114 tỷ đồng. Mức lợi nhuận căn cứ trên tổng doanh thu của công ty VWS luôn ở mức rất cao, từ 25-40%, cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác cùng xử lý rác trên địa bàn thành phố (có đơn vị chỉ 3% trên tổng số doanh thu.)

Số lợi nhuận rất cao của công ty VWS sẽ còn tăng hơn nữa bởi việc xử lý rác và rác của Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm chỉ tăng (trung bình khoảng 8%/năm) chứ không giảm. Với lượng rác nhận được từ bãi xử lý số 3 Phước Hiệp, hiện nay bãi xử lý rác Đa Phước đã chính thức độc quyền về chôn lấp rác và dự kiến đem về cho VWS thêm nhiều lợi nhuận hơn nữa.

Tuyên bố trên báo chí, công ty VWS tuyên bố Đa Phước đã sẵn sàng chôn lấp rác với công suất 10.000/ngày (gấp 3 lần công suất cũ) tuy nhiên các thủ tục về đầu tư và xây dựng thì không có. Đối chiếu giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, phóng viên nhận thấy không có sự điều chỉnh để cho Đa Phước tăng công suất và báo cáo tài chính của công ty VWS cũng không có một khoản nào đầu tư cho mở rộng công suất chôn lấp của khu xử lý rác. 

Ngạc nhiên hơn, dự án của công ty VWS là dự án nhóm A, phải được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi song công trình 10.000 tấn rác/ngày của bãi xử lý rác Đa Phước đã thực hiện và hoàn thành mà mà không có các thủ tục trên. Ngay cả các thủ tục bổ sung sau này của công ty VWS cũng thiếu rất nhiều song vẫn được cho tăng công suất chôn lấp rác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

Kỳ 2: Nỗi buồn Phước Hiệp...

Bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) có tổng giá trị đầu tư 976 tỉ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh và nhà thầu Hàn Quốc KBEC thi công. Bãi xử lý rác này sẽ biến thành bãi rác, dẫn đến lãng phí hàng trăm tỷ đồng đầu tư, đồng thời mất đi các giá trị gia tăng khác từ tái chế rác như khí gas, điện và đặc biệt có thể gây ra các sự cố môi trường nghiêm trọng. Lý do đơn giản là đã có những văn bản thiếu cơ sở được ban hành để đưa toàn bộ rác từ bãi số xử lý rác số 3 Phước Hiệp về bãi xử lý rác Đa Phước. 
Bản in