TP.HCM tìm giải pháp tốt nhất cho xử lý rác đô thị

15/05/2015 3:12:29 CH


​Ngày 14/5 tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị - Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, Tổng cục Môi trường, sở ngành của TP.HCM và các nhà khoa học trong lĩnh vực xử lý rác.
Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất những giải pháp, công nghệ có tính khả thi để tận dụng nguồn năng lượng to lớn từ rác thải cũng như xử lý rác thải đô thị tại TP.HCM hiệu quả hơn.
 Tại các nước phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong việc thu gom và xử lý rác thải đô thị, từ đó vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm, tạo mỹ quan đô thị, vừa tận dụng được nguồn năng lượng rác thải để sản xuất điện, phân bón, thu hồi khí phát điện.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công thương cho biết, TP.HCM nói riêng và các đô thị lớn của Việt Nam nói chung có quỹ đất rất hạn chế nên phương pháp xử lý chất thải bằng công nghệ đốt là khá phù hợp nên cần cân nhắc để lựa chọn. Hiện Chính phủ cũng đã ban hành khá nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho phương pháp này.
Hội thảo còn nhằm giúp TP.HCM lắng nghe ý kiến của các nhóm chính sách, nhóm cung cấp công nghệ, nhóm tài chính và chuyển giao; qua đó, TP.HCM sẽ chọn phương án đầu tư cũng như công nghệ tối ưu nhất phù hợp với hiện trạng TP.HCM. Hội thảo cũng đã giới thiệu các công nghệ xử lý rác hiệu quả của Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan… đồng thời, đề xuất phương án phù hợp cho TP.HCM.
Hiện nay, với hơn 9 triệu dân, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn TP.HCM ước tính khoảng 7.500 – 8.000 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng thu gom và vận chuyển lên bãi chôn lấp khoảng 6.500 – 6.700 tấn/ngày, phần còn lại là phế liệu được mua bán để tái chế. Chỉ có một phần nhỏ, chủ yếu là các chất thải hữu cơ xả xuống đồng ruộng ở vùng ngoại thành.
Ước tính tỷ lệ gia tăng khối lượng rác hàng năm khoảng 7 – 8 %. Vấn đề là, quỹ đất tại TP.HCM ngày càng thu hẹp và lượng rác thải lại ngày càng tăng, trong khi đó, việc chôn lấp rác, gồm cả những chất thải nguy hại sẽ tạo ra sự rò rỉ nước có nồng độ ô nhiễm cao, khí bãi chôn lấp gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm mùi trầm trọng.
Đó là lý do mà những năm gần đây, TP.HCM đã đề ra nhiều chiến lược quản lý chất thải rắn hiệu quả hơn. TP.HCM cũng đã tìm kiếm các loại hình công nghệ mới và kêu gọi đầu tư để tăng tỷ lệ tái chế, tái sinh và đề ra các giải pháp nhằm làm giảm lượng chất thải đổ vào bãi chôn lấp, giải quyết triệt để khối lượng chất thải rắn đô thị của Thành phố.
Tường Tú
(Theo monre)
Bản in