Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Như đã phản ánh ở kỳ 1 và kỳ 2 trong loạt bài "Xử lý rác tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tồn tại nhiều điều phi lý," việc đóng cửa bãi xử lý rác Phước Hiệp để chuyển toàn bộ rác về bãi xử lý Đa Phước có rất nhiều điều bất cập.
Và những bất cập ấy sẽ khiến ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đứng trước nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng để đền hợp đồng, người dân nơi đây sẽ phải gánh chịu những hậu quả từ giá xử lý rác được nâng lên mà còn là vấn đề bang giao kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
“Trả trước,” “ứng trước” và chênh lệch giá, chiếm thị phần
Trong hợp đồng của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và công ty VWS có một điều khoản về số tiền “trả trước” 9 triệu USD. Số tiền này dùng để xây cầu (khoảng 537.000 USD) vào bãi xử lý rác Đa Phước của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý rác Việt Nam (VWS). Số còn lại sẽ được hạch toán trong vòng 22 năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xử lý rác Đa Phước ngày 17/1/2005 thì đây chỉ là tiền “ứng trước” và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận vào ngày 10/6/2005 về khoản tiền “ứng trước” này. Nhưng hợp đồng ký kết ngày 26/2/2006 thì số tiền “ứng trước” trên đã biến thành tiền “trả trước.”
Về nguyên tắc kinh tế, “ứng trước” rồi thì sẽ nhận lại còn “trả trước” thì không; như vậy ngân sách thành phố bỗng dưng mất đi khoảng 8,463 triệu USD chỉ vì thay đổi vô lý này.
Đây là cách mất tiền ngân sách rất vô lý bởi công ty VWS là công ty 100% vốn nước ngoài và cũng chẳng có quy định nào trong Luật Ngân sách nhà nước về việc phải “trả trước” bằng ngân sách cho lĩnh vực xử lý rác để Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm như vậy. Quan trọng hơn, đến nay chưa ai bị xử lý trách nhiệm về việc gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 8,5 triệu USD.
Hiện nay, giá của bãi xử lý rác Đa Phước cao so với các đơn vị khác cùng với việc gần như độc chiếm thị phần xử lý rác nếu như được cho phép nâng công suất xử lý rác lên 10.000 tấn/ngày (xin xem bảng so sánh) khiến số tiền phải trả cho xử lý rác càng lớn hơn. Bằng việc cho phép công ty VWS được tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác/ngày, cơ quan chức năng đã đặt công ty này ở vị thế thống lĩnh thị trường, vi phạm Luật cạnh tranh. Trường hợp thành phố đồng ý cho Đa Phước nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày và tiếp tục ưu tiên cho khu xử lý này nhận rác theo đúng hợp dồng đã ký thì doanh nghiệp này được độc quyền xử lý rác ở TPHCM và như vậy sẽ tiếp tục vi phạm Luật cạnh tranh.
Bảng so sánh tương đối công suất, giá xử lý và thị phần xử lý rác (số liệu cập nhật ngày 14/5/2015):
Đơn vị |
Đa Phước |
Phước Hiệp |
Vietstar |
Tâm Sinh Nghĩa |
Công nghệ |
Chôn lấp hợp vệ sinh |
Chôn lấp hợp vệ sinh |
Làm phân compost |
Làm phân compost |
Công suất (tấn/ngày) |
5.070 |
0 |
1.200 |
1.000 |
Thị phần xử lý rác (%) |
69,738 |
0 |
16,506 |
13,755
|
Đơn giá (VND/tấn) (USD/tấn) |
459.558
21,1 USD |
360.000
16,52 USD |
413.820
19 USD |
443.876
20,38 USD |
Qua bảng so sánh này, có thể thấy bãi xử lý rác Đa Phước của công ty VWS mặc dù xử lý rác bằng phương thức chôn lấp (không tái chế) nhưng lại được hưởng giá xử lý rác cao nhất. Và độ chênh lệch về giá thì cũng chỉ có ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh - tiền thuế của người dân thành phố đóng, là lãnh đủ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã “lỡ” ký hợp đồng với công ty VWS theo hướng bất lợi cho mình nên mức giá xử lý rác 360.000 đồng/tấn của lượng 2.000 tấn/ngày tại bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp chuyển về bãi xử lý Đa Phước vẫn chưa được VWS chấp nhận.
Giả sử VWS khởi kiện yêu cầu nâng mức giá trên lên mức 21,1 USD/tấn thì phần thua nhiều chắc chắn sẽ thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vì Hợp đồng bất lợi đã ký với Đa Phước. Và phần thua ấy, sẽ làm ngân sách thành phố thiệt hại nặng nề.
Tiền nào cũng là tiền dân?
Dự án bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp có tổng vốn đầu tư 976 tỷ đồng và hiện nay đã được Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư được 420 tỷ đồng. Số còn lại là của nhà thầu Hàn Quốc đã mua thiết bị, công nghệ.
Như đã nói ở bài "Nỗi buồn Phước Hiệp," hiện nay dự án này chỉ hoạt động cầm chừng với mức xử lý rác 500 tấn/ngày ( hiện nay vẫn chưa được Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý) lấy từ phần rác dư của công ty Vietstar gần đó.
Dự án bãi xử lý số 3 Phước Hiệp vẫn tiếp tục thi công hoàn thiện công trình và dự kiến đến tháng 9/2015 sẽ hoàn thành các hạng mục cơ bản.
Trong cuộc làm việc với Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/2, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra hết sức khó xử khi cho biết công trình này ở thế “không thể dừng được” vì dừng thì bãi chôn lấp rác sẽ biến thành bãi rác lộ thiên, đối diện nguy cơ ô nhiễm.
Trong khi đó, đại diện nhà thầu Hàn Quốc KBEC, ông Ted K Song thì bình tĩnh hơn nhiều khi trả lời báo chí: “Chúng tôi không mong dự án dừng lại nhưng cũng không lo thiệt hại nếu dự án dừng lại. KBEC Việt Nam đã mua bảo hiểm từ quỹ bảo hiểm của chính phủ Hàn Quốc, nếu dự án dừng lại thì quỹ bảo hiểm của chính phủ sẽ trả đủ tiền cho chúng tôi. Các vấn đề còn lại thì sẽ có cuộc làm việc của chính phủ Hàn Quốc với chính phủ Việt Nam.”
Ông Ted K Song cũng phân tích thêm rằng dự án bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp có nhiều phương pháp để chuyển rác thành lợi nhuận như khí gas, điện, chất thải tái chế. “Công nghệ chính mà chúng tôi ký là tái chế nước thải và cánh đồng tưới (giảm nguy cơ hỏa hoạn do rác tự cháy vì tích tụ khí metan) và đảm bảo không để nước thải tràn ra ngoài môi trường. Khi bãi rác hoàn thành thì việc tái chế mới đi vào hoạt động, điều mà công ty KBEC đã làm ở các dự án tương tự để thêm khí gas, nhiên liệu tái chế tiềm năng khác. Việc xây bãi chôn lấp chỉ là bước đầu của chuỗi sinh lợi từ dự án, chúng tôi mong muốn được hoàn thành dự án để chứng minh điều này,” ông Ted K Song nói.
Theo bản phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thì số tiền dự kiến phải đền hợp đồng (nếu xảy ra) sẽ là 685,51 tỷ đồng bao gồm đền bù phần công việc nhà thầu đã thực hiện, bồi thường thiệt hại cho nhà thầu, hỗ trợ 300 công nhân xử lý rác tại bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp chuyển đổi việc làm.
Hai phương án khác gồm: Thứ nhất, hoàn thành công trình bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp rồi biến thành bãi xử lý rác dự phòng thì tổng số tiền Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến chi khoảng 856,262 tỷ đồng. Thứ hai, xây dựng hoàn thành và chuyển giao cho thành phố thì tổng số tiền dự kiến phải chi là 874,262 tỷ đồng.
Cách vận hành xử lý rác tập trung về bãi xử lý rác Đa Phước khoảng 70% số rác của Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay cũng rất bất cập. Thay vì tập trung rác của nửa thành phố về phía Bắc (các bãi ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi) và nửa còn lại về phía Nam (bãi xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh) thì rõ ràng sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm bớt nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, giảm hư hao cầu đường, đảm bảo an toàn khi một khu xử lý không thể tiếp nhận rác...
Cho đến lúc này, vẫn chưa biết số phận của bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp sẽ ra sao nhưng dù ra sao đi nữa thì việc đóng cửa biến thành bãi rác dự phòng, chuyển giao cho thành phố hay đền hợp đồng thì nguồn tiền cũng lấy từ ngân sách. Mà ngân sách là tiền của dân, mà dân thì còn rất nghèo...
Theo TTXVN |