Đẩy mạnh công tác bảo tồn Rùa biển ở Côn Đảo

18/05/2015 10:17:02 SA

Thông tin từ Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết chương trình Tình nguyện viên tham gia Bảo tồn Rùa biển tại Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8/2015. Chương trình được thực hiện nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn Rùa biển ở đây.

Rùa đẻ trứng tại VQG Côn Đảo. (Ảnh: dantri.vn)

Rùa đẻ trứng tại VQG Côn Đảo. (Ảnh minh họa: dantri.vn)

Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển Rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích lên đến hàng chục ngàn m2. Một số bãi đẻ của Rùa có diện tích lớn như: bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài, bãi Dương Hòn Bảy Cạnh. Hiện tại, 5 bãi lớn này được bố trí  5 Trạm Kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn Rùa biển. Mỗi Trạm kiểm lâm có từ 5 -8 kiểm lâm viên canh giữ.

Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 10 có trên 400 Rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo làm tổ, đẻ trứng; có trên 150.000 Rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt tới 87%. Vào mùa cao điểm, ở một số bãi biển lớn như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre lớn mỗi đêm có 10-20 Rùa mẹ lên làm tổ.

Về công tác bảo tồn Rùa biển, bà Nguyễn Thùy Anh – Cán bộ truyền thông Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) văn phòng Việt Nam cho biết: Từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành chương trình bảo tồn Rùa biển với 3 nội dung chủ yếu là nghiên cứu đặc tính sinh thái học của Rùa biển, bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng, xây dựng trại giống. Các chương trình hành động cụ thể là đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước Rùa biển; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả Rùa con về biển.

Nhờ đó, công tác bảo tồn Rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo đã đạt được hiệu quả cao. Hiện nay, số lượng Rùa biển lên bãi đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm trên 85% số Rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, quần thể Rùa xanh về đẻ trứng tại Côn Đảo là một trong những quần thể Rùa xanh lớn của khu vực Đông Nam Á.

Thông tin từ Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết: Tháng 7 và tháng 8 hàng năm là mùa cao điểm của Rùa biển đẻ trứng song Ban Quản lý hiện đang thiếu nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn Rùa biển. Do đó, BQL triển khai chương trình Tình nguyện viên (TNV) tham gia Chương trình bảo tồn Rùa biển với mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng cho công tác bảo tồn Rùa biển tại Côn Đảo.

Chương trình TNV nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị và tầm quan trọng của Rùa biển thông qua việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào công tác nghiên cứu và bảo vệ Rùa biển tại các bãi đẻ tiêu biểu. Đồng thời, đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng, có thể giúp đỡ cán bộ chuyên môn tại các khu bảo tồn Rùa biển và tăng cường năng lực cho các khu bảo tồn Rùa biển.

Bà Nguyễn Thùy Anh cho biết thêm: Chương trình TNV sẽ được thực hiện trong hai tháng từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8 với hai chương trình diễn ra từ 3/7 đến 23/8 và chương trình nâng cao từ 3/7 đến hết 30/8. Tùy thuộc vào thời gian, địa điểm và số lượng các ứng viên đăng ký và đảm bảo số lượng đăng ký tham gia thực phù hợp với thời gian tại từng đảo, BTC sẽ ưu tiên lập danh sách cho những TNV đăng ký sớm và mỗi TNV đưa ra một lựa chọn với thời gian ưu tiên cụ thể.

Các hoạt động chủ yếu trong chương trình TNV tham gia Bảo tồn Rùa biển gồm: Tham gia lớp tập huấn tại VQG Côn Đảo; tham gia tuần tra Rùa biển lên đẻ tại các bãi đẻ, giúp cán bộ chuyên môn thực hiện đo đạc kích thước, gắn thẻ đánh dấu Rùa mẹ, di dời ổ trứng lên khu vực ấp trứng, giúp thả Rùa con và hướng dẫn du khách tham quan Rùa biển lên đẻ; dạy tiếng Anh cơ bản cho các công chức kiểm lâm tại các Trạm kiểm lâm mà TNV tham gia… Được biết, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 300 TNV đăng ký tham gia chương trình.

Theo Tuyết Chinh/ Báo Tài nguyên & Môi trường

Bản in