Ứng phó BĐKH Phân vùng cảnh báo thiên tai cho dải ven biển Việt Nam

19/05/2015 10:27:06 SA


Bão và áp thấp nhiệt đới là hiện tượng thiên tai nguy hiểm kèm theo gió mạnh, mưa lớn, sóng cao và nước biển dâng. Bão và nước dâng do bão thường gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản trên phạm vi rộng lớn. Nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại do bão, vừa qua Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đã công bố kết quả nghiên cứu phân vùng bão và nhận định nguy cơ bão, nước biển dâng do bão cho dải ven biển Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết: Hàng năm, nước ta thường xuyên chịu tác động của thiên tai có liên quan đến khí tượng, thủy văn trong đó có bão và nước dâng do bão. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện đã tiến hành nghiên cứu để đưa ra tài liệu bước đầu về phân vùng bão nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương tham khảo trong việc xây dựng, chuẩn bị các phương án ứng phó và chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại do bão gây ra.
 
Theo đó, để đánh giá mức độ nguy hiểm của thiên tai đối với các hoạt động kinh tế - xã hội vùng ven biển, các nhà khoa học của Viện đã tiến hành nghiên cứu trên toàn vùng biển Việt Nam, bao gồm đới ven biển và khu vực biển Đông của Việt Nam. Dựa trên các thông tin về thiên tai biển đã được thu thập, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích, xử lý, tính toán bằng các phương pháp chuyên ngành đảm bảo độ chính xác, tin cậy để lập ra được bản đồ cảnh báo thiên tai, phân vùng khu vực bị ảnh hưởng của bão cũng như nhận định xu thế bão ở các khu vực này. 
 
Từ các nghiên cứu về hoạt động và ảnh hưởng của bão, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã chia khu vực ven biển Việt Nam thành năm vùng ven biển có sự khác nhau của bão gồm Vùng 1: Quảng Ninh - Thanh Hóa; Vùng 2: Nghệ An - Thừa Thiên - Huế; Vùng 3: Đà Nẵng - Bình Định; Vùng 4: Phú Yên - Khánh Hòa; Vùng 5: Ninh Thuận - Cà Mau.
 
Nước biển dâng cao gây sạt lở ở Đồ Sơn, Hải Phòng (năm 2013)
Nước biển dâng cao gây sạt lở ở Đồ Sơn, Hải Phòng (năm 2013)
Theo tài liệu phân vùng bão này thì khu vực Quảng Ninh - Thanh Hóa là vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất với tần số bão hàng năm là 1 - 1,5 cơn. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng của bão sớm hơn các vùng khác với thời kỳ nhiều bão nhất là ba tháng 6 - 7 - 8. Lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ đã ghi được là trên 470mm. Cường độ bão đã ghi nhận được là cấp 15, 16, nguy cơ gió bão mạnh nhất 50 - 60 m/giây. Tại khu vực này, nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra tới 3,5m. Trong tương lai, khi bão có khả năng mạnh thêm, nước dâng do bão có thể lên đến trên 4m. Trong trường hợp xảy ra vào thời kỳ triều cường, mực nước tổng cộng trong bão có thể lên tới 5,7 - 6m.
 
Bên cạnh đó, vùng  Nghệ An -Thừa Thiên - Huế cũng có tần số bão hàng năm từ 1 - 1,5 nhưng mùa bão tập trung vào tháng 8 -9 -10 và lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ rất lớn, đạt 790mm. Nước dâng do bão cao nhất ở vùng này có thể lên đến trên 4,5m, trong thời kỳ triều cường, mực nước có thể lên tới 5,7 - 6,2m 
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục Trưởng Cục KTTT&BĐKH cho biết: Hiện nay công tác dự báo bão vẫn đang là bài toán khó và phức tạp, các bản tin dự báo bão luôn gặp phải các sai số về vị trí tâm và cường độ (ngay cả với các trung tâm dự báo bão của những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…). Bên cạnh đó, trên khu vực biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam có rất ít trạm đo để kiểm chứng vị trí và cường độ thực tế bão. Việc xác định vị trí và cường độ bão chủ yếu sử dụng ảnh mây vệ tinh, phương pháp này thường cho sai số vị trí tâm bão trung bình khoảng 30 - 50 km (thậm chí có những cơn bão sai số lên đến 100 – 120 km), sai số xác định cường độ bão là cộng trừ 1 - 2 cấp. Do đó, việc công bố kết quả nghiên cứu phân vùng bão là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng, giúp các ngành, địa phương chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó với bão, nước biển dâng do bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão trong tương lai nhằm giảm thiệt hại do bão gây ra. Điều này đặc biệt cấp thiết bởi vùng biển, ven biển nước ta đang chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai và mức độ ảnh hưởng sẽ gia tăng trong điều kiện BĐKH ngày càng phức tạp như hiện nay.
Linh Nga
TN&MT
Bản in