Quản lý chất thải hữu cơ cho TP.HCM

20/05/2015 2:50:40 CH

Hiện nay biến đổi khí hậu là vấn đề được cả thế giới quan tâm, đặc biệt là sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cũng như khí thải độc hại có tuổi đời ngắn.

Do vậy, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) tổ chức hội thảo Kế hoạch quản lý chất thải hữu cơ cho TP.HCM. Mục đích tạo ra diễn đàn, cơ hội để các chuyên gia lắng nghe, trao đổi, góp ý cho bản dự thảo kế hoạch bám sát thực tiễn hơn. Được biết đây là bản kế hoạch thuộc dự án của CCAC – sáng kiến chất thải rắn đô thị (MSWI).

Từ thực trạng chất thải gia tăng

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã trình bày những đề tài quan trọng nhằm giới thiệu về các chất ô nhiễm có vòng đời ngắn; công nghệ thân thiện môi trường và quan hệ đối tác công tư; đánh giá dự thảo kế hoạch quản lý chất thải hữu cơ toàn diện.

Tại TP.HCM, lượng rác thải có chiều hướng gia tăng qua mỗi năm. (Ảnh: Ngọc Châu)

Tại TP.HCM, lượng rác thải có chiều hướng gia tăng qua mỗi năm. (Ảnh: Ngọc Châu)

ThS Nguyễn Trọng Nhân, Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP.HCM, cho biết tại TP, khoảng 70%-80% tổng lượng chất thải phải xử lý hàng ngày xuất phát từ hộ gia đình, phần còn lại là các khu công sở, khu công nghiệp, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại… Thống kê cho thấy năm 2014, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt là hơn 2,7 triệu tấn/năm, tăng gần 260 tấn/năm, tỉ lệ gia tăng là 10,57% so với năm 2013. Tại các hộ gia đình, 50%-60% là chất thải hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học, 25% có thể tái chế. Mặc dù TP đều có lực lượng thu gom rác hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau, các con đường xuất hiện rác trở lại. Đặc biệt, lực lượng “ve chai” cũng là bộ phận có tác động không nhỏ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý rác thải, phân loại rác tại nguồn. Bởi họ chủ yếu là lao động phổ thông, nguồn thu nhập hằng ngày từ việc thu gom các loại rác có thể bán được từ các hộ gia đình. Đối với vấn đề xử lý, chôn lấp rác, theo ông Nhân, một số nhà máy gặp khó khăn trong việc tiêu thụ phân compost vì người dân không mặn mà với sản phẩm này.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: “Tôi hy vọng hội thảo này sẽ là một diễn đàn hữu ích để các bên liên quan, đặc biệt là các chuyên gia trong nước và quốc tế đóng góp ý kiến nhằm tìm giải pháp hiệu quả để xác định phát triển và thực hiện các chính sách giảm thiểu phát thải hữu cơ”. Cùng với việc trao đổi, góp ý trực tiếp tại hội trường, các đại biểu còn thực hiện các hoạt động liên quan kỹ năng tình huống nhằm tìm kiếm công nghệ phù hợp, giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến xử lý chất thải. Song song đó là tham quan thực tế Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc – Củ Chi, chợ đầu mối nông sản Bình Điền.

Đến việc hoàn thiện kế hoạch cho TP

Từ năm 2011, TP đã góp mặt tại nhiều sự kiện, hội thảo trong khuôn khổ hoạt động của CCAC. Đến tháng 4-2013 là tham gia MSWI nhằm giúp các TP giảm phát thải thông qua mô hình quản lý chất thải tiên tiến. Trên cơ sở đó, Trung tâm Công nghệ môi trường quốc tế phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện Công nghệ châu Á tổ chức các đợt tập huấn, làm việc để thảo luận về việc xây dựng kế hoạch quản lý chất thải hữu cơ ở TP. Đồng thời tổ chức hỗ trợ TP nâng cao công tác quản lý chất thải hữu cơ theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm các chất gây ô nhiễm khí hậu có vòng đời ngắn từ chất thải đô thị và bãi chôn lấp.

Sau thời gian hợp tác và thảo luận, các chuyên gia của Viện Công nghệ châu Á đã phối hợp với các cán bộ quản lý chất thải rắn của Sở TN&MT xây dựng bản dự thảo kế hoạch quản lý chất thải hữu cơ cho TP.HCM.

Trên tinh thần đó, Trung tâm Tài nguyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương phối hợp với Sở tổ chức hội thảo để trình bày và thảo luận các vấn đề liên quan nhằm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất thải hữu cơ cho TP.HCM. TS Mushtaq Ahmed Memon, đại diện CCAC – MSWI, cho biết dự án tại TP gồm ba giai đoạn là đánh giá; tiến hành giới thiệu công nghệ, lựa chọn công nghệ thích hợp và triển khai. Nếu áp dụng thành công thì đây sẽ là mô hình để các TP khác tham khảo, áp dụng.

Theo Ngọc Châu/ Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Bản in