Cần quản lý chặt phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất

21/05/2015 8:10:57 SA

Quản lý tốt phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất không những giúp chúng ta kiểm soát được nguồn phát thải gây độc hại cho môi trường và con người, mà còn khuyến khích được người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước sử dụng các sản phẩm sản xuất từ chất thải như: gạch không nung, xi măng, bê tông, thạch cao nhân tạo…


Vận chuyển tro xỉ thải tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. (ảnh: Báo Bình Thuận)

Không có phương án xử lý triệt để

Nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho thấy, tại Việt Nam, trong khi các loại VLXD cơ bản như: Xi măng, gốm, sứ, kính đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới, thì VLXD không nung lại lạc hậu nhất trong khu vực, kém hơn cả Lào, Thái Lan và Malaysia.

Một trong những nguyên nhân lý giải cho tình trạng này là chúng ta đang ỉ lại quá nhiều vào nguồn tài nguyên đất, khoáng sản sẵn có trong thiên nhiên. Trong khi nguồn tro xỉ, bã thải từ cá nhà máy nhiệt điện, phân bón nhiều vô kể nhưng không tận dụng triệt để.

Ông Nguyễn Trần Nam cho biết, chỉ tính riêng gạch cho xây dựng, hiện nay chúng ta sử dụng khoảng 24 tỷ viên gạch/năm, nếu theo quy hoạch phát triển ngành xây dựng đến năm 2020 sẽ dùng tới khoảng 30 tỷ viên/năm. Con số này tương đương với 2.000 ha đất, tương đương với diện tích đất của 1 xã, phải đốt 6 triệu tấn than và thải ra môi trường khoảng 17 triệu tấn CO2,… sẽ có tác động đến ruộng đồng, an ninh lương thực. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện đốt than Việt Nam là 36.000 MW, năm 2030 là 72.000 MW. Như vậy, mỗi năm chúng ta sẽ đốt trên 100 triệu tấn than, thải ra môi trường 30 triệu tấn tro xỉ mỗi năm.

Như vậy, bức thiết phải có kế hoạch xử lý và sử dụng triệt để 30 triệu tấn tro xỉ này là điều không cần phải bàn cãi khi mà cơ chế pháp lý về việc xử lý nguồn tro xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và hướng phát triển VLXD không nung từ loại chất thải này đã tương đối đầy đủ.


Bãi thải bã thải Gyps của DAP Đình Vũ tại KKT Đình Vũ, Hải Phòng. (ảnh: PV)

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất VLXD và xử lý chất thải thì vấn đề xử lý tro xỉ, chất thải của các nhà máy nhiệt điện hóa chất chưa được chủ đầu tư chú trọng giải quyết triệt để. Đa số các nhà máy nhiệt điện đều tận dụng vị trí của mình để phát thải ra bãi thải và môi trường xung quanh như đồi, núi, ven biển… Một số ít nhà máy nằm trong địa bàn khu dân cư, việc phát thải vào các bể chứa đã trở lên quá tải, nếu như không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ buộc phải dừng hoạt động.

Theo kết quả điều tra khảo sát từ năm 2012 của Viện VLXD - Bộ Xây dựng thì tại hầu hết các nhà máy nhiệt điện trong cả nước đều chưa có biện pháp xử lý tro xỉ triệt để, một khối lượng không đáng kể tro xỉ được sử dụng để làm VLXD, sản xuất VLXD không nung, san lấp mặt bằng, còn lại chủ yếu đổ ra bãi thải gần khu vực đồi, núi, ven biển như: Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên), Nhà máy Nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn), Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại I, II (Hải Dương), Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh), Nhá máy Nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh), Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (Hải Phòng).

Duy nhất trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Formosa (Đồng Nai) không quy hoạch bãi chứa xỉ thải. Tro xỉ thải ra được thu hồi và đóng bao 50 kg hoặc big bags, cấp cho Công ty Mê Kông là đơn vị bao tiêu tro xỉ thải cấp cho thị trường sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng. Tuy nhiên, nhà máy này chỉ phục vụ điện năng cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của chính mình với nguồn nhiên liệu là than bi tum nhập khẩu từ Indonesia, công suất nhỏ 300 MW, khối lượng tro xỉ thải hằng năm ít, khoảng 100.000 tấn/năm.

Tận thu phát thải

Hiện nay, việc bán tro xỉ thải tại các nhà máy cho các đơn vị xử lý chất thải hay sản xuất VLXD không nung ngày càng được các chủ đầu tư tận thu và nâng cao giá bán khi Chính phủ ngày càng khuyến khích phát triển VLXD từ nguồn tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Hay nói cách khác, một mặt các chủ đầu tư không đưa ra giải pháp xử lý tro xỉ triệt để nhằm giảm thiểu phát thải ra môi trường góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, mặt khác họ vừa có nguồn thu từ bán điện, vừa có nguồn thu từ bán phế thải.

Đơn cử một ví dụ, tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có khoảng 4 đơn vị thường xuyên mua tro xỉ về xử lý gồm: Cty CP Sông Đà Cao Cường, Cty CP Bắc Sơn, Cty CP Phụ gia bê tông Phả Lại, Cty TNHH Vina Fly Ash and Cement. Tuy nhiên, không ít đơn vị cũng chỉ hoạt động cầm chừng vì giá thành của sản phẩm cao hơn giá của nguyên liệu thay thế được khai thác từ thiên nhiên. Tại Cty CP Sông Đà Cao Cường, nếu như năm 2014, đơn vị này mua tro xỉ từ Nhiệt điện Phả Lại với giá khoảng 80.000 đồng/tấn thì năm 2015 phải mua với giá hơn 96.000 đồng/tấn.

Người dân không khỏi đặt ra câu hỏi, vậy thì nguồn tiền từ bán tro xỉ sẽ được chủ đầu tư dùng vào việc gì, khi các chủ đầu tư đã có nguồn thu chính từ bán điện? Liệu nguồn thu này có được đầu tư trở lại cho nâng cấp và hoàn thiện nhà máy để đưa ra những biện pháp xử lý tro xỉ một cách triệt để, khi mà Quyết định 1696 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất quy định, đến năm 2020, các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất phải đầu tư xây dựng hoặc hợp tác đầu tư dây chuyền xử lý phế thải đủ tiêu chuẩn làm VLXD và chỉ cấp diện tích bãi thải cho các nhà máy trong vòng 2 năm?


Gạch không nung AAC đang được khuyến khích sử dụng tại các công trình xây dựng. (ảnh: PV)

Mới đây, Cty CP Thạch cao Đình Vũ chính thức đưa vào vận hành dây chuyền xử lý bã thải Gyps của Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ tại Hải Phòng. Một trong những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công này là sự hợp tác đầu tư của DAP Đình Vũ với tỷ lệ góp vốn 10% và giá bán 10.000 đồng/tấn bã thải. Sự thành công bước đầu của dự án xử lý chất thải này là điển hình cho sự hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị phát thải và đơn vị xử lý chất thải cần được nhân rộng.

Thanh Nga/baoxaydung.com.vn

Bản in