Những chính sách ưu đãi bảo vệ môi trường

16/06/2015 10:41:43 SA

Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) cũng như các văn bản, nghị định đã có những chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.



Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN có quy định: Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16 quy định: “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải”; “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm vàbảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải” được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.


Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) và các văn bản hướng dẫn có quy định các dự án xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt có quy mô lớn tại các khu công nghiệp đã được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao trong khung ưu đãi của pháp luật về thuế TNDN.

Nghị định Số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động môi trường có quy định ưu đãi về vốn đầu tư đối với các Dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường như sau: Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung quy định tại khoản 1, mục I, phần A của Danh mục kèm Nghị định này áp dụng công nghệ xử lý có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 10% và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung quy định tại khoản 2, mục I, phần A của Danh mục kèm Nghị định này được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư xây dựng, trong đó 40% từ ngân sách trung ương và 10% từ ngân sách địa phương; 50% còn lại được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.

Công trình xây dựng quy định tại khoản 3, 4, 5 và 6 mục I phần A và tại mục I phần B của Danh mục kèm Nghị định Số 04/2009/NĐ-CP được ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hiện hành hoặc được ưu tiên vay vốn và xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư theo điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; được đảm bảo nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi bằng thế chấp các tài sản được hình thành từ vốn vay.

Vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 9, mục II, phần A của Danh mục kèm Nghị định Số 04/2009/NĐ-CP được Nhà nước hỗ trợ 30%; 70% còn lại được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.

Doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động quy định tại khoản 6, 7, 8 mục II phần A và khoản 5 mục II phần B của Danh mục kèm Nghị định Số 04/2009/NĐ-CP được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Chương trình, dự án đầu tư thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường được quy định trong Danh mục kèm Nghị định Số 04/2009/NĐ-CP, nếu là dự án trọng điểm của Nhà nước được ưu tiên xem xét sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức. 

Ngoài ra, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường cũng có quy định ưu đãi về đất (miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất) đối với các dự án xã hội hóa (trong đó bao gồm dự án xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt có quy mô lớn tại các khu đô thị lớn, khu công nghiệp) cũng đã góp phần khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia thực hiện.

Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN/TH)   
Bản in