Một số vấn đề áp dụng thuế/phí môi trường trong thực tế
Thuế môi trường có thể đánh lên một đơn vị sản phẩm gây ô nhiễm hoặc chính đơn vị ô nhiễm ấy. Về mặt lý thuyết, thuế suất phải đúng bằng chi phí ngoại ứng cận biên của ô nhiễm mà trong thực tế chi phí này lại không như nhau đối với các doanh nghiệp và các vùng lãnh thổ khác nhau. Vì vậy, Nhà nước thường đặt ra một mức thuế suất chung, trên cơ sở đó các doanh nghiệp sẽ có những phản ứng cụ thể riêng biệt và thích hợp.
Vấn đề cần quan tâm hơn cả là tác động của thuế môi trường đối với việc cải thiện tình trạng môi trường và công bằng xã hội; thực sự ai là người gánh chịu mức thuế đó? Có hợp lý hay không?
Rõ ràng sức điều tiết về mặt môi trường và tính công bằng của thuế phụ thuộc rất nhiều vào hệ số co dãn của cung và cầu. Vấn đề đặt ra là: Nhà sản xuất phải trả thuế môi trường do quá trình sử dụng và gây ô nhiễm của họ là công bằng nhưng người tiêu dùng cũng phải gánh tiếp một phần thuế do giá tăng thì có công bằng không?
Câu trả lời là, về mặt nguyên tắc, tính công bằng vẫn bảo đảm. Vì nhà sản xuất chỉ cung cấp hàng hoá khi có cầu của người tiêu dùng, nên người tiêu dùng phải chịu một phần trách nhiệm trong sự cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Thuế môi trường phát ra những tín hiệu giá cả đúng đắn cho cả người sản xuất và tiêu dùng, khiến cho họ nhận thức được ảnh hưởng của các giá trị môi trường và tạo một động lực thường xuyên thúc đẩy họ chuyển sang sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm ít tác động đến môi trường hơn.
Khi cung cầu hầu như không co dãn, sức điều tiết về mặt môi trường của thuế rất yếu. Ngược lại, nếu cung cầu co dãn quá mạnh thuế môi trường có thể dẫn đến những tổn thất vô ích cho quá trình tăng trưởng kinh tế.
Nếu thuế được áp dụng căn cứ vào mức sản lượng đầu ra thì việc thực hiện và tổ chức thu thuế tương đối đơn giản. Tuy vậy việc đánh thuế đơn giản theo sản lượng đầu ra sẽ không có sự phân biệt giữa những đơn vị sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ sạch và những đơn vị sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ không sạch.
Việc đánh thuế theo sản lượng đầu ra cũng không tạo được động cơ khuyến khích các doanh nghiệp tích cực sản xuất sạch hơn hoặc xử lý chất thải. Vì thế, cách đánh thuế/phí căn cứ vào số lượng chất thải thực tế sẽ có hiệu quả rõ ràng hơn về mặt môi trường.
Giấy phép và thị trường giấy phép môi trường
Giấy phép môi trường thường được áp dụng cho các tài nguyên môi trường khó có thể quy định quyền sở hữu và vì thế thường bị sử dụng bừa bãi như không khí, đại dương. Công cụ này được áp dụng ở một số nước, ví dụ giấy phép (quota) khai thác cá ngừ và sử dụng nước ở Australia, giấy phép ô nhiễm không khí ở Mỹ, Anh và một số nước thành viên của OECD như Canađa, Đức, Thuỵ Điển. Giấy phép xả thải có thể mua bán được (Tradeable Emission Permit) là khái niệm chỉ loại thị trường trong đó hàng hoá là các giấy phép thải khí hoặc nước thải, người bán là các đơn vị sở hữu giấy phép và người mua là các đơn vị cần giấy phép để xả thải.
Thị trường này vận hành theo quy luật cung cầu như các thị trường thông thường nhưng lại có đặc điểm gần giống thị trường chứng khoán ở chỗ giao dịch các chứng chỉ, các giấy phép mang một giá trị nhất định với giá cả được định đoạt theo chủ quan, kỳ vọng và dự báo của các bên tham gia giao dịch.
Nguyên lý cơ bản của thị trường giấy phép thải (hay thị trường môi trường) là việc đặt ra giới hạn tối đa về lượng khí thải hoặc nước thải nào đó ở mức thống nhất với chỉ tiêu môi trường tại một vùng hay khu vực cụ thể.
Một khi tổng lượng thải cho phép thấp hơn lượng thải mà các đơn vị hoạt động trong vùng muốn thải thì sẽ tạo nên sự khan hiếm về quyền được thải và làm cho nó có giá ở thị trường.
Để thực hiện công cụ này, trước hết Nhà nước phải xác định mức sử dụng môi trường chấp nhận được để trên cơ sở đó phát hành giấy phép. Việc này không đơn giản và cũng đòi hỏi chi phí thực hiện khá lớn.
Sau khi quy định mức thải tối đa trong vùng, có thể phát không giấy phép cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn dựa trên một số căn cứ nào đó hoặc tổ chức bán đấu giá. Cách thực hiện được nhiều người tán thành nhất là phân phối giấy phép dựa vào mức độ ô nhiễm hoặc hiện trạng tác động môi trường của từng doanh nghiệp, nói cách khác là thừa kế quyền được thải quá khứ.
Khi đã có giấy phép, các doanh nghiệp tự do giao dịch, mua đi bán lại số giấy phép đó; giá giấy phép trên thị trường sẽ điều tiết nhu cầu trong phạm vi tổng hạn mức.
Ưu điểm đáng kể nhất của loại công cụ này là sự kết hợp giữa tín hiệu giá cả và hạn mức ô nhiễm. So với các loại thuế môi trường hay phí ô nhiễm thì thị trường giấy phép mang tính chắc chắn, bảo đảm hơn về kết quả đạt mục tiêu môi trường vì dù giao dịch mua bán như thế nào thì tổng lượng giấy phép vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát ở số phát hành ban đầu.
Mặt khác, công cụ giấy phép linh hoạt ở chỗ nó cho phép các doanh nghiệp lựa chọn các phương án mua thêm giấy phép để tiếp tục thải hay tìm cách cải thiện hiện trạng, giảm thải xuống mức cho phép. Hơn nữa, quyền được bán giấy phép với giá được xác định bởi cầu của thị trường còn tạo ra động cơ khuyến khích các doanh nghiệp giảm thải nhiều hơn để có thể bán các giấy phép thừa ra đó. Đây là xuất phát cho các cải tiến về công nghệ, kỹ thuật có lợi cho môi trường.
Tuy có những ưu điểm như vậy nhưng thị trường giấy phép vẫn chưa được áp dụng rộng rãi do các nhà môi trường và công chúng nói chung chưa quen với khái niệm “quyền được thải” nên khó chấp nhận việc các doanh nghiệp có giấy phép thải khí hay nước thải vào môi trường.
Các nhà quản lý thì cho rằng việc kinh doanh giấy phép thải phức tạp, khó kiểm soát hơn so với việc thu thuế hay phí môi trường quen thuộc, đã có sẵn bộ máy hành chính tài chính để thực hiện. Hơn nữa, việc quan trắc môi trường, theo dõi mức độ ô nhiễm hoặc thành quả môi trường tại các doanh nghiệp theo các chỉ tiêu đề ra trong chương trình giấy phép cũng được coi là vấn đề khó khăn, phức tạp.
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy công cụ giấy phép thích hợp cho việc áp dụng trong một số điều kiện nhất định như sau:
Chất ô nhiễm cần kiểm soát thải ra từ nhiều nguồn khác nhau nhưng gây tác động môi trường tương tự nhau (ví dụ các nhà máy điện cùng thải SO2 góp phần vào nguy cơ chung của nạn mưa axit).
Có sự chênh lệch lớn trong chi phí giảm thải của các doanh nghiệp do nhiều yếu tố (công nghệ, tuổi thọ máy móc, thiết bị, quản lý ...)
Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường với tư cách là người mua và người bán giấy phép phải tương đối lớn để tạo được một thị trường mang tính cạnh tranh và năng động.
(Còn nữa)
Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN)