Công cụ kinh tế
Một số công cụ kinh tế chủ yếu sẽ được đề cập dưới đây.
Thuế tài nguyên
Thuế tài nguyên là một khoản thu của Ngân sách Nhà nước đối với các doanh nghiệp về việc sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên trong quá trình sản xuất. Mục đích của thuế tài nguyên là
Hạn chế các nhu cầu không cấp thiết trong sử dụng tài nguyên.
Hạn chế các tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác và sử dụng
Tạo nguồn thu cho Ngân sách và điều hoà quyền lợi của các tầng lớp dân cư về việc sử dụng tài nguyên
Thuế tài nguyên bao gồm một số sắc thuế chủ yếu như thuế sử dụng đất, thuế sử dụng nước, thuế rừng, thuế tiêu thụ năng lượng, thuế khai thác tài nguyên khoáng sản...
Cơ cấu tính thuế tài nguyên phải được thay đổi phù hợp với khả năng công nghệ của doanh nghiệp, phương thức quản lý của Nhà nước và điều kiện địa chất kỹ thuật của khu vực khai thác tài nguyên để bảo đảm có sự phân biệt đối với các doanh nghiệp hoặc hoạt động gây ra các tổn thất tài nguyên và suy thoái môi trường ở các mức độ khác nhau; nguyên tắc chung là: hoạt động càng gây nhiều tổn thất tài nguyên và suy thoái môi trường thì càng phải chịu thuế cao hơn. Việc xác định đúng đắn phương pháp tính thuế tài nguyên là rất quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, kỹ thuật và năng lực quản lý nhằm làm giảm tổn thất tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo.
Trong thực tế, khi áp dụng thuế tài nguyên người ta thường phân biệt tài nguyên thành hai loại theo mức độ xác định trữ lượng:
Loại tài nguyên đã xác định trữ lượng: thuế được tính sẽ dựa trên trữ lượng địa chất (hoặc trữ lượng công nghiệp) của loại tài nguyên mà doanh nghiệp được phép khai thác.
Loại tài nguyên chưa xác định trữ lượng hoặc xác định chưa chính xác trữ lượng: có thể sử dụng sản lượng khai thác làm cơ sở tính thuế trong khi chờ có các thăm dò địa chất về trữ lượng bổ sung.
Ngoài ra, thuế tài nguyên cũng phải được áp dụng từ từ từng bước để tránh làm mất cân bằng kinh tế; nên công bố thời hạn áp dụng và tăng thuế trước một thời gian đủ dài để giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, đồng thời bù trừ lại bằng cách giảm bớt các thuế khác.
Thuế/phí môi trường
Thuế/phí môi trường được sử dụng khá phổ biến tại các nước công nghiệp phát triển (OECD) từ hơn hai thập kỷ qua và đã bước đầu được áp dụng có kết quả ở các nước Châu á như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Philippin...
Thuế/phí môi trường là công cụ kinh tế nhằm đưa chi phí môi trường vào giá sản phẩm theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Thuế/phí môi trường nhằm hai mục đích chủ yếu: khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho Ngân sách. Hiện tại ở nhiều nước, nguồn thu từ thuế môi trường được sử dụng cho Ngân sách chung của Chính phủ như các nguồn thu thuế khác; còn nguồn thu từ phí môi trường sẽ được dành riêng để chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường như để thu gom xử lý phế thải, nước thải, khắc phục ô nhiễm, hỗ trợ các nạn nhân của ô nhiễm...
Trên thực tế, thuế/phí môi trường được áp dụng dưới nhiều dạng khác nhau tuỳ thuộc mục tiêu và đối tượng ô nhiễm như: thuế/phí đánh vào nguồn ô nhiễm, thuế/phí đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm, phí đánh vào người sử dụng.
Thuế/phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm là loại thuế/phí đánh vào các chất gây ô nhiễm được thải vào môi trường nước (như BOD, COD, TSS, kim loại nặng...), khí quyển (như SO2, Cacbon, NOx, CFCs...), đất (như rác thải, phân bón...), hoặc gây tiếng ồn (như máy bay và các loại động cơ...), ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Thuế/phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm được xác định trên cơ sở khối lượng và hàm lượng (nồng độ) các chất gây ô nhiễm.
Thuế/phí đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm được áp dụng đối với những loại sản phẩm gây tác hại tới môi trường một khi chúng được sử dụng trong các quá trình sản xuất, tiêu dùng hay huỷ bỏ chúng. Loại phí này được áp dụng đối với các loại sản phẩm có chứa chất độc hại cho môi trường như kim loại nặng, PVC, CFCs, xăng pha chì, các nguyên liệu chứa cacbon và sulphat, pin/ắc quy có chứa chì, thuỷ ngân, các loại vỏ hộp, vỏ chai, giấy bao gói...
Phí đánh vào sản phẩm có thể được sử dụng thay cho phí gây ô nhiễm nếu vì lý do nào đó, người ta không thể trực tiếp tính được phí đối với các chất gây ô nhiễm. Loại phí này có thể đánh vào sản phẩm là nguyên liệu đầu vào, sản phẩm trung gian hay thành phẩm, tùy theo từng trường hợp.
Phí đánh vào sản phẩm được sử dụng rộng rãi ở các nước OECD dưới dạng phụ phí tính vào giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, bột tẩy giặt...
Phí đánh vào người sử dụng là tiền phải trả do được sử dụng các hệ thống dịch vụ công cộng xử lý và cải thiện chất lượng môi trường như phí vệ sinh thành phố, phí thu gom và xử lý rác thải, nước thải, phí sử dụng nước sạch, phí sử dụng đường và bãi đỗ xe, phí sử dụng danh lam thắng cảnh, phí hành chính nhằm đóng góp tài chính cho việc cấp phép, giám sát và quản lý hành chính đối với môi trường...
Các khoản thu từ phí này được dùng để góp phần thiết lập hệ thống kiểm soát, xử lý ô nhiễm công cộng, bù đắp chi phí bảo đảm cho hoạt động của các hệ thống đó. Đối tượng thu là các cá nhân hay tổ chức trực tiếp sử dụng các hệ thống dịch vụ môi trường công cộng.
Nói chung, mức phí phải tương ứng với chi phí của loại dịch vụ môi trường được sử dụng. Phí đánh vào người sử dụng còn nhằm mục đích hạn chế việc sử dụng quá mức các dịch vụ môi trường.
(Còn nữa)
Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN