Môi trường nông thôn chịu tác động tiêu cực từ các khu công nghiệp

26/06/2015 8:28:47 SA

Đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường tại Hải Dương. (Nguồn ảnh: TTXVN)


Với khoảng 67% dân số cả nước, nông thôn Việt Nam đang chịu những sức ép không nhỏ về ô nhiễm môi trường từ các khu-cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Đây là một trong những vần đề được đề cập tại báo cáo môi trường quốc gia 2014 với chủ đề "Môi trường nông thôn" trong giai đoạn 2010-2014, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 24/6.

Theo báo cáo, hiện nay, khu vực nông thôn đang chịu tác động tiêu cực của sự suy giảm chất lượng ô nhiễm và ô nhiễm môi trường ở nông thôn (bao gồm không khí, nước mặt, nước dưới đất, đất nhiễm hóa chất) gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, phát triển kinh tế-xã hội, cảnh quan sinh thái.

Đặc biệt, đối với môi trường không khí, đáng chú ý nhất là vấn đề ô nhiễm bụi, ô nhiễm do khí thải NH3, SO2, NO2 tại một số khu công nghiệp, làng nghề.

Báo cáo cũng chỉ ra  nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ô nhiễm môi trường nông thôn là do các hoạt động sản xuất ở các vùng nông thôn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghiệp lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên/nhiên liệu còn thấp.

Trong khi đó, những năm gần đây, các cụm công nghiệp có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, tạo sức ép lên môi trường, là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường ở một số vùng nông thôn.

Ngoài ra, quá trình phát triển sản xuất kinh tế chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn hạn chế; chưa kiểm soát được chất thảo bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật; khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác quản lý môi trường thiết đơn vị đầu mối quản lý, tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn còn thấp.

Thông qua đánh giá, phân tích, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và đối với các địa phương mang tính định hướng cần được tập trung chỉ đạo và thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý; phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nước ta.

Theo TTXVN

Bản in