Quy định lập, quản lý hàng lang bảo vệ nguồn nước

30/06/2015 4:52:25 CH

Từ ngày 01/07/2015, Nghị định số 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hàng lang bảo vệ nguồn nước chính thức có hiệu lực.



Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại Điều 31 của Luật tài Nguyên nước số 17/2012/QH13. 


Kể từ 1/7/2015, hồ chứa có dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước


Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Nghị định, hành lang nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng về bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tư nhiên ven nguồn nước;…

Nghị định cũng quy định, quản lý hành lang nguồn nước phải đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải đảm bảo việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt.

Nghị định quy định, đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích lớn hơn 1 tỷ mét khối hoặc có dung tích  từ 10 triệu mét khối đến 1 tỷ mét khối nhưng nằm ở địa bàn dân cư tập trung, địa bàn có công trình quốc phòng, an ninh thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng mực nước cao nhất ứng với lũ thiết kế đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.

Đối với các loại hồ chứa thủy điện, thủy lợi khác, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.

Nghị định cũng quy định, thời hạn hoàn thành việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Đối với hồ chứa đang xây dựng, chưa đưa vào vận hành, việc bàn giao mốc giới phải hoàn thành trước khi thức hiện việc tích nước hồ chứa. 

Còn đối với các hồ chứa đang hoạt động mà chưa thực hiện việc bàn giao mốc giới theo quy định tại Nghị định số 112/2008/NĐ-CP thì phải hoàn thành việc bàn giao mốc giới trong thời hạn không quá 2 năm đối với hồ chứa thủy điện, 05 năm đối với hồ chứa thủy lợi kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Tải về văn bản TẠI ĐÂY:

Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)
Bản in