Hải Phòng là 1/10 thành phố trên thế giới sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng. Đó là nhận định của các tổ chức khoa học thế giới. Với phương châm: Chủ động nhưng không chủ quan, Hải Phòng đã đề ra 4 hành động ứng phó và thích nghi với khí hậu biến đổi cực đoan nhằm giảm thiểu thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.
Nước đã đến chân
Theo ông Phạm Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện ở nhiều vùng ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải đều có hiện tượng biển xâm thực nuốt bãi. Hiện “lưỡi mặn” đã ngập nhập lên thượng lưu của các cửa sông, cách bờ biển Hải Phòng tới 45km và độ mặn không ngừng tăng lên qua từng năm. Nguồn nước mặt vùng cửa sông đang bị nhiễm mặn gây khó khăn cho sản xuất và dân sinh.
Cùng với đó, các hiện tượng nhiệt độ tăng, chế độ dòng chảy, độ mặn, lượng mưa thay đổi. Cộng với những hiện tượng thiên tai biển như dông, tố lốc, bão… cũng ngày càng khốc liệt và khó lường đã và đang tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản của Hải Phòng.
Đặc biệt, 3 năm trở lại đây trên địa bàn Tp. Hải Phòng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn. Mùa mưa bão bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn bình thường. Mặc dù số lượng cơn bão xảy ra trong năm không thay đổi nhưng cường độ bão lớn hơn rất nhiều, có cả siêu bão, lốc xoáy gây thiệt hại lớn cho dân sinh thành phố như vụ lốc xoáy ở An Lư (Thủy Nguyên), siêu bão Hải Yến (2013); siêu bão Rammasun (2014). Đặc biệt, sau cơn bão số 3 năm 2014, tại biển Đồ Sơn có hiện tượng dị thường chưa từng có, nước biển dâng cao sau khi bão đổ bộ, kéo dài suốt 12 tiếng, độ cao sóng hơn 1 m.
Gấp rút hành động
5 năm qua, Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố của Việt Nam tham gia chiến dịch xây dựng “thành phố an toàn trước thiên tai”, với việc thực hiện có hiệu quả 10 cam kết để giảm nhẹ rủi ro.
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của thành phố Hài Phòng giai đoạn 2012 - 2020, thành phố triển khai 4 hành động cụ thể, trong đó chỉ tiêu đến năm 2015 tu bổ và nâng cấp hệ thống đê biển, nhằm nâng cao khả năng phòng chống bão cấp 12, triều cường tần suất 5% và có dự phòng nguy cơ mực nước biển dâng; đầu tư nâng cấp 18 tuyến đê sông.
Đồng thời, rà soát và phục hồi diện tích rừng ngập phòng hộ ven sông, ven biển, hệ sinh thái bãi triều nhằm nâng cao vai trò “đệm”, giảm sóng, phòng hộ và giữ đất. Nâng cao cốt nền xây dựng tại các khu vực đô thị từ +4,2 đến +4,5 m và khu vực ven bờ lớn hơn +5 m.
Hoàn thành việc rà soát và ban hành kế hoạch loại bỏ những công nghệ kém hiệu quả, không thân thiện môi trường trong ngành nông nghiệp, công nghiệp, Giao thông-Vận tải và năng lượng trên địa bàn Hải Phòng; triển khai các hoạt động khoa học công nghệ nhằm cập nhật và bổ sung các đánh giá về tác động của BĐKH và nước biển dâng đến các ngành, lĩnh vực, khu vực trên địa bàn thành phố làm cơ sở lồng ghép các nội dung về BĐKH vào các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đề xuất các giải pháp cụ thể.
Hải Phòng cũng tăng cường và triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng khả năng hấp thu khí nhà kính, tận dụng các cơ hội phát triển do biến đổi khí hậu mang lại. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão dựa trên địa hình của từng vùng trình Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt Hải Phòng chú trọng các giải pháp lợi dụng tổng hợp dòng sông và tiềm năng đất đai ven sông, ven biển, ven đê nhằm khai thác sử dụng hợp lý, bền vững, đa mục tiêu. Đó là phát triển đô thị, công nghiệp đóng tàu, cảng biển, du lịch, cải thiện môi trường trên nguyên tắc ưu tiên tăng cường năng lực phòng, chống bão lũ của đê điều, bảo đảm khả năng thoát lũ của lòng sông; Ưu tiên lập bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản về nước biển dâng, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, có phương án chống ngập khu vực nội thành; đầu tư lớn xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình phòng chống thiên tai...
Bùi Vân/monre.gov.vn