Sáng 8/7 tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức lễ Công bố và Hội nghị triển khai chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Để quản lý môi trường biển và đới bờ biển Việt Nam đồng bộ ở cấp Trung ương và địa phương, góp phần phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh sinh thái, ngày 17/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2295/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm triển khai phương thức quản lý mới là “quản lý tổng hợp” đã được luật hóa trong Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo được thông qua tài kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Trên cơ sở tiếp nối Chương trình 158 quản lý tổng hợp của dải ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, chiến lược sẽ mở rộng phạm vi triển khai phương thức quản lý từ 14 tỉnh, thành ven biển thuộc chương trình 158 ra toàn bộ 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam.
Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 13
Ngày 8/7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam cùng Ban thư ký ASEAN đã tổ chức Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 13 (gọi tắt là Hội nghị AWGESC 13). Hội nghị AWGESC 13 nhằm kiểm điểm các hoạt động của Nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường trong giai đoạn 2014-2015, triển khai các chương trình về thành phố bền vững môi trường do các đối tác của ASEAN phối hợp thực hiện. Tại đây, các nước thành viên ASEAN còn tìm kiếm các ý tưởng, sáng kiến mới để phát huy thành tựu của “Chương trình thành phố kiểu mẫu về bền vững môi trường ASEAN, năm thứ 2”.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN không chính thức lần thứ 14 (IAMME 14) tại Viên Chăn, Lào từ ngày 26-31/10/2014, các Bộ trưởng đã trao Cúp và Giải thưởng thành phố bền vững môi trường ASEAN lần thứ 3 cho lãnh đạo thành phố Huế; Cúp và Chứng nhận thành phố tiềm năng là thành phố bền vững môi trường ASEAN lần thứ 2 cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt.
Cử tri tiếp tục đề nghị làm rõ việc thay thế cây xanh Hà Nội
Sáng 7/7, tại Kỳ họp lần thứ 13 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV đã diễn ra phiên chất vấn về những vấn đề dư luận quan tâm. Nhiều cử tri tiếp tục đề nghị làm rõ việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến đường thời gian qua. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định phương pháp, cách thức thực hiện Đề án cải tạo, thay thế cây xanh còn nóng vội, giản đơn và chưa thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến nhân dân.
Việc thay thế, dịch chuyển cây xanh đô thị là công việc nhạy cảm, ảnh hưởng và tác động tới cuộc sống, tâm tư, tình cảm của nhân dân nhưng khi thực hiện lại chưa tổ chức xin ý kiến đông đảo nhân dân và các nhà khoa học. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra kết luận các sai phạm, trong đó nêu rõ mặc dù việc thay thế cây xanh có sự nóng vội nhưng thành phố Hà Nội khẳng định đây là việc làm cần thiết phục vụ nhiều mục đích như làm cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp hơn trong tương lai; thải loại cây không đúng chủng loại, mục nát, nguy cơ đổ khi mùa mưa bão đến gần để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Geneva trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, nhiều thư viện phải đóng cửa
Nhiệt độ tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) trong ngày 7/7 đã tăng lên gần 40 độ C - mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại bang phía Bắc của dãy núi Alps này. Mức nhiệt 39,7 độ C cũng đã vượt mức kỷ lục 38,9 độ C ghi nhận được tại Geneva hồi năm 1921. Trong khi đó, nhiệt độ tại thủ đô Bern cũng tăng cao lên 36,8 độ C.
Thời tiết nắng nóng đã buộc Geneva phải đóng cửa nhiều thư viện công cộng, trong khi các viện bảo tàng lịch sử và nghệ thuật đóng cửa vào ngày cuối tuần. Nhiệt độ cao làm tăng mạnh nồng độ ozone, từ mức trung bình 120 microgam/m3 lên 260 microgam/m3, khiến chính quyền nhiều bang Thụy Sĩ quyết định giảm giá vé giao thông công cộng để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ này giúp tránh gây ô nhiễm thêm bầu không khí.
Đan Mạch tung ra sáng kiến biến nước tiểu thành bia
Ban tổ chức một lễ hội âm nhạc ở Đan Mạch vận động mọi người đóng góp nước tiểu để tưới cho cây lúa mạch, nguyên liệu chính trong sản xuất bia. Đứng dưới một tấm panô với dòng chữ "Đừng lãng phí nước tiểu của bạn. Nông dân có thể biến nó thành bia", những người tham gia lễ hội háo hức đợi tới lượt tiểu tiện vào một máng kim loại. Nước tiểu của họ chảy tới một bể chứa được thiết kế đặc biệt trước khi người ta đưa nó tới những cánh đồng gần đó để tưới cho những cây lúa mạch.
"Biến nước tiểu thành bia Pilsner (một loại bia ngon khá nổi tiếng)" là một sáng kiến của ban tổ chức Roskilde – lễ hội âm nhạc lớn nhất châu Âu – phát động tại thành phố Zealand, Đan Mạch trong tuần trước. Các nhà tổ chức hy vọng họ sẽ thu thập 25.000 lít nước tiểu từ hơn 100.000 người tham gia lễ hội. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, những người tham gia lễ hội âm nhạc Roskilde vào năm 2017 sẽ có cơ hội thưởng thức bia từ lúa mạch được tưới bởi chính nước tiểu của họ.
Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)