Từ ngày 5-10/7, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tài Nguyên & Môi trường Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang dẫn đầu, đã ở thăm và làm việc tại Cuba nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trong lĩnh vực này và tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 10 về môi trường của Cuba. Trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba, Elba Rosa Pérez Montoya, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã chia sẻ những thách thức trong việc đối phó ô nhiễm môi trường tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Cuba trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý nguồn nước, các dự án khí tượng, chất lượng môi trường, tới chống biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh thái và hải dương học. Về phần mình, Bộ trưởng Pérez Montoya mong muốn hai bên chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ viễn thám trong quản lý môi trường, dự báo, phân tích tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng tới năm 2050 và 2100, cũng như việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm bằng thông số khí tượng, địa chấn và bức xạ.
Đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng, TP HCM vẫn chưa hết ngập
Theo báo cáo của UBND TP HCM, chỉ trong 10 năm qua (từ năm 2005 đến nay), thành phố đã bỏ ra khoảng 24.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập như nạo vét, cải tạo kênh rạch, xây dựng hệ thống thoát nước. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo UBND TP, các dự án này cũng chỉ mới thực hiện được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch chống ngập nên hiệu quả chưa như mong muốn. Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ vay của TP HCM đã hơn 25.100 tỷ đồng. Dự kiến trong năm năm tới, bình quân mỗi năm thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay các dự án trên địa bàn.
Để thực hiện các dự án chống ngập cho khu vực rộng 550 km2 (gồm lưu vực trung tâm thành phố, phía Bắc, phía Tây, một phần Đông Bắc và Đông Nam), trong 5 năm tới, thành phố cần huy động khoảng 66.820 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải như nạo vét kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; cải tạo rạch xuyên Tâm; Xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải; Xây 3 hồ điều tiết ở Thủ Đức, Tân Bình và quận 4...
Nhật Bản hỗ trợ quản lý rừng bền vững
Ngày 9/7, tại Hà Nội, Biên bản thảo luận về Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững đã được ký kết giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình và Lâm Đồng. Dự án kéo dài 5 năm này dự kiến sẽ triển khai từ tháng Tám tới với mục tiêu tăng cường năng lực quốc gia về quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, thông qua việc tập trung vào rừng, đa dạng sinh học và người dân phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên này làm sinh kế.
Tại khu vực Tây Bắc, JICA hiện đã hỗ trợ tỉnh Điện Biên xây dựng và triển khai Kế hoạch Hành động REDD cấp tỉnh (PRAP) thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững ở vùng đầu nguồn Tây Bắc (SUSFORM-NOW). Đây là PRAP đầu tiên được chính thức phê duyệt tại Việt Nam. Dự án mới sẽ tận dụng kinh nghiệm của SUSFORM-NOW để xây dựng PRAP tại ba tỉnh lân cận, nhằm mở rộng quy mô của sáng kiến này. JICA sẽ xem xét khả năng cung cấp dự án vốn vay ODA theo ngành để có kinh phí thực hiện PRAP tại 4 tỉnh Tây Bắc và cử một đoàn khảo sát sang làm việc trong tháng Bảy này.
Bắc Kinh sắp thành 'xứ sở sương mù nhân tạo' vì ô nhiễm
Theo tờ Channel News Asia, các nhà hoạt động môi trường Trung Quốc mới đây đã phát động một cuộc chiến mạnh mẽ với nhiều biện pháp chống lại ô nhiễm môi trường khi mà thủ đô Bắc Kinh và nhiều khu vực khác nước này đang ngày càng ô nhiễm kinh khủng, lên mức báo động đỏ. Cho đến thời điểm hiện tại những diễn biến về môi trường ở Bắc Kinh cũng như các khu vực khác rất đáng lo ngại. Mật độ ô nhiễm trung bình của Bắc Kinh đã đạt mức PM2.5, mức đủ để gây hại và có thể xâm nhập vào máu, gấp 9 lần so với mức độ về an toàn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới.
Một nhóm môi trường Trung Quốc mới đây cũng tạo ra một ứng dụng cho smartphone (điện thoại thông minh) để theo dõi và báo cáo các nhà máy gây ô nhiễm. Ứng dụng từng đoạt giải thưởng này sẽ cung cấp thông tin cập nhật hàng giờ về lượng khí thải được các nhà máy báo cáo, và dữ liệu ô nhiễm không khí khắp quốc gia. Nó cũng cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu để giám sát những người gây ô nhiễm, một quá trình mà trong đó sự tham gia và giám sát của công chúng là rất quan trọng.
Mỹ phát triển công nghệ khai thác năng lượng sóng biển
Nhà máy điện khai thác năng lượng sóng biển đầu tiên sắp được đưa vào vận hành tại Mỹ, mở ra triển vọng cung cấp năng lượng sạch cho 50% dân số Mỹ sinh sống tại các đô thị ven biển. Được lắp đặt ngoài khơi bờ biển Hawaii, tại khu thử nghiệm năng lượng sóng, Vịnh Kaneohe, thiết bị nặng 40 tấn này là máy phát điện nhờ sóng biển đầu tiên. Theo Cục năng lượng Quốc gia Mỹ (DoE), sắp tới sẽ có hàng loạt máy phát như vậy được lắp đặt, cung cấp năng lượng sạch cho các thành phố ven biển Mỹ. Khoảng 50% dân số Mỹ sinh sống dọc theo các đô thị có đường bờ biển dài 80 km đường, theo đánh giá của DoE, dự án có tiềm năng lớn.
Thiết bị do công ty NWEI thiết kế, có tên Azura, được lắp đặt sâu dưới 300 m nước tháng trước và có công suất 20 kW. Theo NWEI, nếu lắp đặt dưới sâu hơn, tại các vùng có sóng lớn hơn, công suất có thể lên tới 1 MW, đủ để cung cấp cho hàng trăm hộ gia đình. Nhóm nghiên cứu dự định sẽ lắp đặt hệ thống quy mô công suất megawatt vào năm 2017, đồng thời tiếp tục thử nghiệm Azura với sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ. Trong khi đó, một thiết bị tương tự cũng được lắp đặt ngoài khơi bờ biển Tây Australia và đi vào vận hành, hòa vào điện lưới địa phương từ tháng 2/2015.
Hà Lan giới thiệu công nghệ làm đường từ "dép nhựa" đồng nát
Hà Lan có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu những con đường làm bằng vật liệu nhựa tái chế. Sáng chế này này có lợi cho môi trường và giảm thiểu nhiều những mặt hạn chế của đường bê tông asphalt. Công ty xây dựng Hà Lan, VolkerWessels đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một bề mặt đường được làm từ nhựa tái chế, yêu cầu bảo chì ít hơn hơn so với nhựa đường có thể chịu đựng dưới mức nhiệt lớn từ 40-80 độ C. Đặc biệt, con đường có thể hoàn thành trong vòng vài tuần thay vì kéo dài khoảng vài tháng thậm chí nhiều năm so với những con đường truyền thống. Độ bền của nó gấp 3 lần đường từ bê tông.
Không chỉ vậy, mỗi năm đường bê tông asphalt tạo ra 1,6 tỷ tấn khí thải CO2 trên toàn cầu, chiếm 2% tổng khí thải CO2 do việc lưu thông đường bộ gây ra. Vì vậy, đường từ nhựa tái chế khá thân thiện với môi trường. Rolf Mars, một quan chức của VolkerWessel, khẳng định: “Nhựa có mọi lợi thế so với việc xây dựng đường xá hiện thời, kể cả việc thi công và bảo dưỡng”. Tuy nhiên, dựa án bằng đường nhựa vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu. Hiện tại đây vẫn là một ý tưởng trên giấy tờ, vì vậy còn cả một quá trình chế tạo và thử nghiệm tại phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo độ an toàn trong các điều kiện ướt và trơn trượt.
Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN/TH)