Chương trình cũng đã thu hút hơn 3.000 nông hộ tham gia trên diện tích hơn 2600 ha. Tuy nhiên, lượng rác độc hại này thu gom được chưa được 1% so với thực tế. Vì vậy, bà con nông dân cần tiếp tục thu gom các loại bao bì, chai lọ này, vì những độc tố từ thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại sẽ phát tán ra môi trường và thấm vào chính nguồn nước.
75% các thành phố Trung Quốc ô nhiễm không khí!
Trong tháng Sáu, gần 75% các thành phố lớn của Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí. Bộ Môi trường cho biết có 19 thành phố đáp ứng tiêu chuẩn không khí hàng ngày, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 5 thành phố đáp ứng tiêu chuẩn này.
Chất lượng không khí ở thủ đô Bắc Kinh đạt gần 60% trong các ngày tháng Sáu và mức độ PM2.5 - hạt vật chất có đường kính 2,5 micromet có thể xâm nhập sâu vào phổi - tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014. Năm ngoái, gần 90% trong số 74 thành phố lớn của Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí.
Thái Lan, Nam Phi đối mặt nguy cơ mất mùa do hạn hán kéo dài
Theo báo cáo về tình hình nông nghiệp và lương thực trên thế giới năm 2015 vừa công bố, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo năm 2015 tình hình thời tiết diễn biến bất thường tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại khu vực miền Nam châu Phi và Đông Nam Á. Đặc biệt, tình trạng hạn hán sẽ diễn ra gay gắt tại Nam Phi và Thái Lan. FAO dự báo sản lượng ngũ cốc của Nam Phi niên vụ 2015 có thể thấp hơn nhiều so với niên vụ trước do hạn hán kéo dài, khiến sản xuất nông nghiệp của quốc gia đứng đầu châu Phi này bị đình trệ và sụt giảm mạnh. Hiện Chính phủ Nam Phi và chính quyền các tỉnh miền Nam đang vận động, hướng dẫn các chủ trang trại, nông dân chuyển sang canh tác các giống cây trồng, cây lương thực có khả năng chịu hạn cao vì khả năng hạn hán có thể kéo dài.
Báo cáo trên cho biết khác với các năm trước, Thái Lan cũng đang trải qua đợt hạn hán hiếm có trong lịch sử nước này và lo ngại về khả năng mất mùa trong năm nay. Theo dự báo thời tiết của các chuyên gia Thái Lan, mùa mưa năm nay có thể muộn hơn và lượng mưa có thể ít hơn nhiều so với các năm trước tại quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn thứ hai thế giới này. Hiện gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan và tình trạng hạn hán kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế, nhất là kim ngạch xuất khẩu gạo giảm mạnh và sức tiêu thụ nội địa thấp. Các chuyên gia khí tượng Thái Lan cho biết tình trạng hạn hán hiện nay được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Đông Nam Á này kể từ nhiều thập niên qua.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng nạn di cư và chủ nghĩa khủng bố
Sự ấm lên của Trái Đất dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nước và lương thực có thể là nguyên nhân gây ra nạn di cư quy mô lớn, sự tranh giành các nguồn tài nguyên và sự sụp đổ của chính quyền tại nhiều nước, từ đó tạo ra khoảng trống quyền lực "màu mỡ" cho các cuộc xung đột và chủ nghĩa khủng bố. Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo có tựa đề "Biến đổi khí hậu, sự đánh giá rủi ro" do một nhóm gồm 40 chuyên gia, nhà khoa học và nhà phân tích chính trị, tài chính và quân sự của 11 nước trên thế giới thực hiện và công bố ngày 13/7.
Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh mức tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu là 0,8 độ C tính từ sau Cách mạng Công nghiệp cho đến nay, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, trong đó bất ổn chính trị và xung đột là chủ yếu. Nhiệt độ tăng kéo theo mực nước biển tăng đã khiến diện tích đất canh tác bị thu hẹp, đẩy con người, đặc biệt tại các khu vực vốn bất ổn như Trung Đông và Châu Phi, vào các cuộc tranh chấp tài nguyên. Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh tại những khu vực này cũng là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng lương thực và nước thêm trầm trọng.
Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN/TH)