Nhiều cao ốc “than trời” vì ô nhiễm không khí

20/07/2015 4:43:06 CH

Nhiều khu dân cư, đặc biệt là các hộ dân sống trong các cao ốc khu vực huyện Nhà Bè, TPHCM thời gian gần đây liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm mùi hôi rác thải rất khó chịu xộc vào nhà, đặc biệt là vào ban đêm mùi hôi gây đảo lộn sinh hoạt người dân. 

Hiện tượng ô nhiễm mùi hôi như thế này mới chỉ xuất hiện từ giữa tháng 6/2015 đến nay và tình hình ngày càng trầm trọng, thường xuyên nhất là vào tầm 8 – 12 giờ đêm.



Những căn hộ càng ở trên cao chịu mùi hôi càng nặng, tùy thuộc vào hướng gió và thời điểm trong ngày, tuy nhiên thường xuyên nhất là tầm 8 – 10 giờ đêm, theo nhận định ban đầu của nhiều người thì có thể mùi hôi bắt nguồn từ một bãi rác lớn nào đó gần khu vực này. Không chỉ hàng trăm hộ dân tại chung cư Hưng Lộc Phát mà qua tìm hiểu của TBKTSG Online, người dân sống tại nhiều khu dân cư (có cả khu dân cư cao cấp) khác huyện Nhà Bè như Khu dân cư Phước Kiển A, chung cư An Tiến … đều phản ánh bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm mùi hôi tương tự hơn một tháng qua.

Xóa nghèo từ dịch vụ môi trường rừng 

Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ làm tăng độ che phủ rừng, mà còn thúc đẩy nghề rừng phát triển. Thời gian qua, ở Lai Châu hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh Lai Châu có hơn 430 nghìn ha rừng được chi trả tiền dịch vụ theo Nghị định 99 của Chính phủ. Mỗi năm, tỉnh thu từ dịch vụ môi trường rừng gần 200 tỷ đồng. Số tiền này, phần lớn được chi trả cho các hộ dân trực tiếp tham gia khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng.

Huyện Mường Tè là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu (hơn 38 nghìn ha). Năm 2014, xã được chi trả gần 12 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Với 440 hộ dân trong toàn xã nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng được thụ hưởng, bình quân mỗi hộ có thu nhập khoảng 27 triệu đồng/năm, đã góp phần giúp bà con dân tộc Hà Nhì xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù mức bình quân thu nhập từ rừng của các hộ dân ở đây không cao như xã Mù Cả (khoảng 20 triệu đồng/hộ/năm), song ở xã Pú Đao có những bản như Nậm Pì, mỗi hộ dân thu nhập trung bình gần 40 triệu đồng/năm, thậm chí, có hộ thu nhập 60 triệu đồng/năm. Đây là khoản thu lớn giúp bà con ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó lâu dài với rừng.

Triển lãm ảnh “60 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Đà Nẵng

Từ ngày 17 đến 25/7/2015, Triển lãm ảnh lần thứ ba về chủ đề “60 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu" và "Hành trình 20 năm hỗ trợ phát triển của AFD tại Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng, 24 Trần Phú, Hải Châu, Đà Nẵng. Triển lãm này dự kiến sẽ diễn ra lần lượt tại Lào Cai, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ giờ đến cuối năm 2015.

Sau hai triển lãm tại Vĩnh Phúc và Huế vào tháng 4, những bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Yann Arthus - Bertrand, tiếp tục được giới thiệu với người dân Đà Nẵng, nhằm khơi dậy sự quan tâm của mọi người đến vấn đề biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, 20 bức ảnh được chụp tại một số dự án mà AFD đã thực hiện tại Việt Nam cũng sẽ được trưng bày trong triển lãm lần này. Năm 2015 là năm khí hậu, AFD tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 21 - COP21, tổ chức tại Paris  (Pháp) vào tháng 12 tới.  

Tử vong, đột quỵ vì tiếng ồn

Trường Dịch tễ học và y học nhiệt đới London (Anh) mới công bố nghiên cứu về tác hại của tiếng ồn ở các đô thị lớn đối với con người. Nhóm nghiên cứu kết luận, những người sống cùng tiếng ồn do các phương tiện giao thông phát ra với cường độ âm thanh từ 60db (đềxiben) có nguy cơ mắc các chứng bệnh gây tử vong cao hơn 4% so những người sống với tiếng ồn 55db. Tiếng ồn được cho là một thủ phạm gây ra chứng đột quỵ, tim mạch, làm rút ngắn tuổi thọ của con người.

Những người trưởng thành sống trong khu vực có quá nhiều tiếng ồn phải nhập viện vì đột quỵ cao hơn 5% so với người sống ở nơi yên tĩnh. Với người già, tỷ lệ này cao hơn 9%. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Jaana Halonen cho biết, trước đây, tiếng ồn đường phố được chứng minh có liên quan đến hiện tượng rối loạn giấc ngủ, chứng cao huyết áp. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa tiếng ồn đường phố với đột quỵ và tử vong.

Ngành nông nghiệp Italy thiệt hại nặng vì nắng nóng kéo dài

Theo Hội Nông dân Italy (Coldiretti), nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 7 đến nay, với nhiệt độ trung bình ở mức từ 35-39 độ C, và thậm chí trong những ngày gần đây lên tới 41-44 độ C ở nhiều địa phương, đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng nông nghiệp của nước này. Theo tổ chức này, nắng nóng khiến bò sữa ăn ít và cho lượng sữa ít hơn từ 15% đến 20% so với trước khi xảy ra nắng nóng.

Đợt nắng nóng hiện nay ở Italy đã diễn ra từ đầu tháng 7, làm 10 người tử vong do trụy tim. Tất cả những người này đều ở độ tuổi từ trung niên trở lên. Hội bác sỹ cấp cứu Italy (Simeu) cho biết, số các cuộc gọi cấp cứu liên quan đến nắng nóng đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nắng nóng liên tục cũng dẫn đến tình trạng thiếu nước ở một số nơi thuộc đồng bằng sông Po, miền Bắc Italy, và có thể làm sản lượng ngô, đậu nành và nhiều nông phẩm khác giảm trong năm nay.

Siêu động đất có thể làm 13.000 người thiệt mạng sắp xảy ra?

Theo các nhà khoa học, một trận siêu động đất có khả năng khiến 13.000 người thiệt mạng và phá hủy một phần lớn diện tích phía tây bắc Thái Bình Dương sắp xảy ra. Theo các nhà địa chất học, trận siêu động đất có cường độ lên đến 9,2 độ Richter này sẽ kéo dài khoảng 4 phút, và sóng thần sẽ tràn đến sau đó 15 phút. Điều khiến các nhà khoa học lo ngại là khoảng 70.000 người trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng hiện gần như không biết gì về nguy cơ thảm họa này.

Trận siêu động đất gần đây nhất xảy ra cách đây hơn 300 năm ở Nhật Bản, kéo theo một trận sóng thần cao hơn 180m tràn vào đất nước Mặt trời mọc. Bản tin của tạp chí The New Yorker cho biết những tính toán của Cơ quan Quản lý Thiên tại Liên bang Hoa Kỳ (FEMA) cho thấy những trận siêu động đất thường xảy ra tại những khe nứt gãy ở vùng tây bắc Thái Bình Dương khoảng mỗi 240 năm một lần.

Tokyo mở cửa lại bãi tắm sau 50 năm

Hãng tin Nhật Kyodo News đưa tin một bãi biển ở ngay thủ đô Tokyo đã đón khách trở lại tắm biển vào hôm qua 18/7, sau 50 năm đóng cửa vì ô nhiễm nguồn nước. Đó là bãi biển ở công viên quốc gia Kasai Rinkai thuộc khu đô thị Edogawa-ku (Tokyo). Theo Japan Today, kể từ năm 1960, bãi biển trên đã buộc phải đóng cửa do chất lượng nước bị ô nhiễm. 

Chính quyền Tokyo cho biết để tiếp tục giám sát chất lượng nước nên trước mắt bãi biển chỉ đón khách đến bơi lội vào ngày cuối tuần, ngày lễ vu lan (Obon) của người Nhật vào giữa tháng 8/2015 và kết thúc “đợt bơi thử nghiệm” đầu tiên này vào cuối tháng 8-2015. Sau đó mới xem xét quyết định có mở cửa bãi biển chính thức hay không.

Chàng sinh viên 20 tuổi quyên tiền chế tạo hệ thống dọn rác trên biển

Chàng sinh viên này đã quyên góp được 2 triệu USD (khoảng 43 tỉ VNĐ) để chế tạo hệ thống dọn rác trên biển. Boyan Slat một sinh viên 20 tuổi ngành kỹ thuật hàng không Hà Lan quan tâm đến vấn đề ô nhiễm đại dương sau một khóa học lặn tại Hy Lạp hồi 16 tuổi. Với tư duy sáng tạo cùng những kiến thức đã học ở trường, Boyan đã tìm ra được một ý tưởng thân thiện về mọi mặt, đó là hệ thống làm sạch nước biển mang tên Ocean Cleanup. Theo dự tính, Ocean Cleanup có thể thu gom một lượng rác khoảng 65 mét khối mỗi ngày và sau 45 ngày, các tàu sẽ đến thu gom và tập trung về bãi để xử lý. Một hạn chế duy nhất của hệ thống này là nó không gom được các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 0,1 mm. 

Chỉ ít lâu sau khi trình bày, dự án đã được Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) trao giải thưởng Dụng cụ được thiết kế tốt nhất. Ngay sau đó, Boyan đã được Tập đoàn công nghệ Mỹ Intel bình chọn là một trong 20 doanh nhân trẻ triển vọng nhất thế giới. Boyan Slat, đã mở một chiến dịch kêu gọi quyên góp từ cộng đồng để thực hiện dự án. Chỉ sau khoảng 100 ngày, số tiền hơn 2 triệu USD (khoảng 43 tỉ đồng) đến từ hơn 38.000 nhà tài trợ ở hơn 160 quốc gia đã được gửi đến tài khoản của dự án. Số tiền này sẽ giúp Boyan tiến hành công trình xây dựng hệ thống máy móc nhằm thu gom hàng triệu tấn nhựa đang làm các đại dương ô nhiễm trầm trọng. Boyan cho biết sẽ vận hành hệ thống này vào đầu năm 2016, tại vùng biển của Nhật Bản và hoạt động kéo dài trong 2 năm.

Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN/TH)
Bản in