Nông nghiệp chiếm 43,1% tổng phát thải khí nhà kính

20/07/2015 4:44:47 CH


Khí nhà kính hiện được coi là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, kiểm kê khí nhà kính cho thấy nông nghiệp chiếm 43,1% tổng phát thải khí nhà kính. Các hoạt động nông nghiệp như canh tác lúa, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý chất thải chăn nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp… là những nguồn chủ yếu gây phát thải khí nhà kính.

Đa dạng nguồn phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Trước đây, các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân lá ngô… sau thu hoạch thường được bà con nông dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc, làm phân bón cho cây trồng hoặc làm chất đốt. Gần đây, do đời sống kinh tế khá hơn nên những chất thải nông nghiệp ít được sử dụng lại, nông dân thường đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, đường làng.

Việc đốt rơm rạ đã làm giảm lượng phân hữu cơ, dẫn tới phải tăng mức sử dụng phân hóa học. Theo thống kê, năm 1980, lượng phân hóa học bón cho 1 ha là 26,1 kg , thì các năm 1990, 2000 và 2007 lượng bón tăng lên tương ứng (104,9; 365,6 và 307,9 kg/ha), cao hơn nhiều trung bình của thế giới và châu Á.

Các nghiên cứu cho thấy, canh tác lúa ở điều kiện ngập nước tạo điều kiện môi trường khử, ô xy hóa khử (Eh) của đất giảm xuống dưới 0 là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phân giải chất hữu cơ đất và sinh khí mê tan, phát thải vào khí quyển. Với phân đạm trong điều kiện yếm khí, cũng có thể phát sinh các sản phẩm của quá trình phản đạm hóa như NO, N2O và N2.

Ngược lại, khi canh tác cạn (trong điều kiện yếm khí), đồng loạt nhiều quá trình giải phóng khí nhà kính, có thể xảy ra như phân giải chất hữu cơ (khoáng hóa) để tạo ra CO2 và một phần NO3cũng như các sản phẩm trung gian. Bón đạm mất cân đối với lân và kali, hoặc đất được bón nhiều đạm chuyển từ trạng thái ngập sang khô cũng xảy ra quá trình sinh N2O.

Canh tác trên đất dốc, trong đó có lúa nương, trồng sắn, ngô… làm cho rừng bị tàn phá, thảm phủ bị đốt cháy làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ carbon của rừng, tăng phân huỷ hữu cơ, phát thải KNK… Đốt các loại tàn dư cây trồng và vệ sinh đồng ruộng sẽ sinh các loại khí CO2, CO và CH4 phát thải trực tiếp vào không khí.

Trước kia, việc vùi rơm rạ là một kỹ thuật được phổ biến từ lâu, nhất là trong canh tác lúa. Tuy nhiên, khi tăng vụ, thời gian nghỉ giữa hai/ba vụ quá ngắn nên rơm rạ không phân hủy hết có thể làm gia tăng phát thải khí mê tan và xuất hiện sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa vi sinh vật với rễ lúa non. Như vậy có thể thấy, trong nông nghiệp, các nguồn phát thải khí nhà kính rất đa dạng và từ nhiều nguồn khác nhau.

Nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp

Các nhà nghiên cứu nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất thông qua quản lý ‎dinh dưỡng theo vùng đặc thù. Kỹ thuật này được các nước thực hiện trong nhiều năm với nguyên tắc: Xác định lượng dinh dưỡng có thể huy động từ đất; Bón phân đúng với nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng; Bón đúng tỷ lệ các chất dinh dưỡng để nâng cao hiệu suất sử dụng, giảm thất thoát ra môi trường, trong đó có phát thải N2O; Sử dụng bảng so màu lá lúa để xác định đúng thời kỳ bón phân đạm; San hàng hoặc cấy thưa, nhỏ dảnh để cây trồng sinh trưởng tốt, huy động tối đa dinh dưỡng từ đất và phân bón.

Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính nữa là sử dụng các giống chín sớm (ngắn ngày); canh tác tối thiểu; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hoặc sử dụng than sinh học. Vì than sinh học có hàm lượng các bon, kali và CEC cao làm tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng trong đất, do vậy tăng khả năng giữ NH4 + và nâng cao hiệu quả sử dụng đạm, gián tiếp giảm phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, sử dụng than sinh học còn giảm lượng phế phụ phẩm bị đốt. Riêng với trấu, công nghệ sản xuất củi ép đang được ứng dụng rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long để sấy lúa và chạy máy phát điện.

Để thực hiện tốt các giải pháp trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan và địa phương trong triển khai các dự án kinh tế có yếu tố giảm phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu hệ thống với phương pháp thống nhất được quốc tế chấp nhận để kiểm kê phát thải, cũng như trong triển khai các giải pháp giảm phát thải. Ngoài ra, phải có chính sách rõ ràng và khuyến khích người dân áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.


Ngân An
TN&MT
Bản in