Sức ép đối với môi trường nông thôn
Theo Báo cáo Môi trường quốc gia 2014 vừa được Bộ tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố, nông thôn Việt Nam đang chịu những sức ép không nhỏ về ô nhiễm môi trường từ các khu - cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, khu vực nông thôn đang chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường (bao gồm: ô nhiễm không khí, nước mặt, nước dưới đất, đất nhiễm hóa chất), gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan sinh thái.
Đối với môi trường không khí, đáng chú ý nhất là vấn đề ô nhiễm bụi, ô nhiễm do khí thải NH3, SO2, NO2tại một số khu công nghiệp, làng nghề.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, đáng báo động nhất là thực trạng ô nhiễm môi trường nước tại các làng quê. Theo số liệu của Bộ TN&MT, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là 2 vùng tập trung lượng nước thải sinh hoạt nhiều nhất cả nước. Do nguồn nước mặt bị ô nhiễm và nhiễm mặn nên người dân chuyển sang khai thác nước dưới đất để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong đó, có thể kể đến những tác động chính như hạ thấp mực nước ngầm, là nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nước ngầm, làm gia tăng khả năng thẩm thấu, xâm nhập nước mặn từ bên ngoài vào các tầng rỗng, gây ra hiện tượng nhiễm mặn tầng nước ngầm. Bên cạnh đó, nhiều giếng nước không còn sử dụng hoặc khai thác không hiệu quả nhưng không có biện pháp xử lý hoặc được xử lý không đúng quy định đã làm gia tăng nguy cơ đưa nguồn ô nhiễm vào nước ngầm, gây ra hiện tượng ô nhiễm thông tầng mạch nước ngầm.
Bộ TN&MT cũng cho biết, bên cạnh áp lực từ nhu cầu nước sạch, nông thôn còn đứng trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải. Kinh tế phát triển khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các vùng nông thôn ngày càng cao. Hệ thống đường giao thông nông thôn được cải tạo đã ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn khiến cho nhiều loại hàng hóa lưu thông mạnh. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng thành phần và lượng rác thải sinh hoạt nông thôn.
Theo ước tính, với lượng phát thải khoảng 0,3 kg/người/ngày thì lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 18.200 tấn/ngày, tương đương với 6,6 triệu tấn/năm. Lượng phát thải các loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt có sự phân hóa tương ứng với số dân nông thôn của từng vùng, theo đó, ĐBSH và ĐBSCL có lượng CTR sinh hoạt nông thôn phát sinh lớn nhất. Hơn nữa, người dân nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa vẫn giữ thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, bờ sông, ao hồ..., tạo nên các bãi rác tự phát,ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và cảnh quan nông thôn. Việc làm này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn dẫn đến nhiều tác hại cho môi trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Coi xử lý ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ trọng tâm
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ô nhiễm môi trường nông thôn là do hoạt động sản xuất ở các vùng nông thôn phần lớn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghiệp lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên/nhiên liệu còn thấp. Trong khi đó, những năm gần đây, các cụm công nghiệp có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, tạo sức ép lên môi trường, là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường ở một số vùng nông thôn.
Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, việc thu gom và xử lý CTR sinh hoạt nông thôn còn hạn chế; chưa kiểm soát được chất thải bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật; khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác quản lý môi trường, tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn còn thấp.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay việc quản lý ô nhiễm môi trường nông thôn không phải đơn giản chỉ về mặt kỹ thuật mà liên quan đến cả tổ chức, cộng đồng nhỏ lẻ và khó kiểm soát. Trước kia nói đến ô nhiễm là ở thành thị và các khu công nghiệp, nhưng hiện nay nông thôn lại chính là nơi ô nhiễm mà rất khó khống chế, khó kiểm soát.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng, thời gian qua công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là môi trường nông thôn đã có hiệu quả tích cực. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế hiện nay để có giải pháp đúng đắn và kịp thời.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đề nghị, Ban chỉ đạo liên ngành xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thống nhất các bộ, ngành chủ động bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác xử lý ô nhiễm; đề xuất các kế hoạch ODA vào xử lý ô nhiễm môi trường... Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần quan tâm đến vấn đề xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Từ kinh nghiệm thực tiễn phát sinh ô nhiễm, các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, đối với việc xử lý nước thải sinh hoạt, chính quyền địa phương nên vận động dân góp vốn, cùng với ngân sách địa phương để xây mới hệ thống cống ngầm thoát nước. Từ hệ thống cống ngầm này, nước thải phải được đưa ra hệ thống tiêu thoát nước lớn của vùng để hạn chế ô nhiễm tới mức thấp nhất cho nguồn nước ngầm..../.