Đa dạng sinh học lưu vực sông: Kho tàng sinh học ngày càng suy thoái

29/07/2015 3:44:06 CH

Việc khai thác gắn với sự phát triển bền vững các lưu vực sông (LVS), đặc biệt là các sông lớn chưa được quan tâm đúng mức đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, cộng đồng dân cư trong đó có hệ sinh thái (HST) - đối tượng dễ bị tổn thương bởi các tác động tiêu cực về môi trường.

Sông suy kiệt,  hủy diệt môi sinh

Ước tính, hiện có tới 50 - 60% số lượng các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam đều nằm trên LVS. Các LVS ở Việt Nam đã và đang bị khai thác quá mức, bị đe dọa nghiêm trọng do các dự án phát triển hạ tầng lớn nhỏ như ngăn đập phục vụ nhu cầu thủy lợi, thủy điện, khai thác cát, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nước, cạn kiệt nguồn nước hạ lưu… tác động xấu đến HST nhân tạo và tự nhiên hai bờ của LVS, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; làm thay đổi hiện trạng ĐDSH, mất môi trường sống của nhiều loại động vật, thực vật, thủy sinh vật, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật ngoại lai xâm hại vào hệ sinh thái sông như: Cây mai dương, cây cỏ lào, rùa tai đỏ…

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do ý thức của con người khai thác sử dụng tài nguyên nước (TNN) không bền vững. Tiếp đến, công tác quản lý theo địa giới hành chính đã bỏ qua điều kiện tự nhiên, đặc điểm tài nguyên ĐDSH mang tính liên vùng kết nối hành lang, quản lý thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ, thiếu kiểm tra, thiếu kiên quyết xử lý các vụ vi phạm LVS. Đồng thời, chưa coi trọng đánh giá dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về TNN, ĐDSH và các giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái ở các LVS; chưa có cơ chế phù hợp dựa vào cộng đồng, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng các LVS…

Ô nhiễm nguồn nước hủy hoại môi sinh
Ô nhiễm nguồn nước hủy hoại môi sinh

Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, tính đến nay, cả nước có hơn 1.000 dự án thủy điện đã được quy hoạch, trong đó có 138 dự án trong Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn. Việc phát triển thủy điện là cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ sinh thái và bảo tồn ÐDSH, các nghiên cứu đều cho thấy tác động của việc xây đập, hồ chứa ảnh hưởng tới vùng sông hạ lưu sau đập là khá lớn, làm thay đổi các kiểu nơi cư trú như vực sông, suối, ghềnh, bãi cát trên sông dẫn đến thay đổi cấu trúc thành phần các loài thủy sinh. Nhiều loài thủy sinh, nhất là các loài có tập tính di cư dài, có tập tính di chuyển kết nối theo chiều dọc sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như việc thay đổi dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho các loài ngoại lai xâm nhập vào hệ sinh thái sông... Ðáng lo ngại, tại nhiều dự án được triển khai, vai trò và giá trị của ÐDSH đã không được xem xét và đánh giá đầy đủ trong quá trình lập, thẩm định báo cáo ÐTM, cũng như ra quyết định của các dự án phát triển. ÐDSH thường bị xem nhẹ trong đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của từng dự án.

Nên có bộ luật chuyên sâu về môi trường LVS

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, cần phải thực hiện quản lý bền vững lưu vực sông trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Để phát triển bền vững LVS cần quản lý hiệu quả việc khai thác khoáng sản, cát, bùn, chất thải rắn, chất thải nguy hại nhằm bảo vệ sự trong sạch của lưu vực sông; kiểm soát thường xuyên chặt chẽ việc vận hành và hoàn phục các cảnh quan sinh thái đúng với quy định của báo cáo đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược sau khi vận hành, khai thác các công trình thủy điện – khai thác khoáng sản lưu vực sông lớn...

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, LVS có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển bền vững của đất nước. Lưu vực sông phân bố đều trên 8 vùng sinh thái của Việt Nam, có ý nghĩa sống còn không những đối với 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn có mối liên quan chặt chẽ với các nước như Trung Quốc, Lào, Camphuchia. Vì vậy, nên nghiên cứu để có bộ luật chuyên sâu về bảo vệ bền vững môi trường lưu vực sông Việt Nam.

Hiện nay, Luật BVMT năm 2014 cũng đã quy định rõ về kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước LVS; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến BVMT LVS; quy định các nguồn thải vào LVS phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông, chất lượng nước sông và trầm tích phải được theo dõi và đánh giá; BVMT nước LVS phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông.

Luật BVMT năm 2014 giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, trong đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước LVS nội tỉnh, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước LVS liên tỉnh và sông xuyên biên giới. Bộ TN&MT có trách nhiệm tổng hợp thông tin về chất lượng môi trường nước, trầm tích các LVS, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án BVMT LVS liên tỉnh.

Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, ban ngành và địa phương cùng nâng cao trách nhiệm, chung tiếng nói trong việc quản lý và bảo vệ LVS, trong đó có yếu tố về đa dạng sinh học trên các lưu vực.

Phương Anh/baotainguyenmoitruong.vn

Bản in