TP HCM: Bất hợp lý trong việc chi trả tiền xử lý rác ở Đa Phước

07/08/2015 11:27:01 SA

“Ban đầu giá xử lý rác có thể cao, vì đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại... nhưng những năm sau thì giá xử lý rác sẽ được giảm dần, cho đến lúc về 0, nhà nước không phải trả tiền cho doanh nghiệp nữa. Còn TP.HCM thì đang làm ngược lại..."

Đó là nhận định của PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường nhận định trước những bất hợp lý về việc chi trả tiền xử lý rác tại bãi rác chôn lấp Đa Phước, vốn xử lý 5.000 tấn rác mỗi ngày tại TPHCM.

 

TP[-]HCM:[-]Bất[-]hợp[-]lý[-]trong[-]việc[-]chi[-]trả[-]tiền[-]xử[-]lý[-]rác[-]ở[-]Đa[-]Phước

Bĩa rác Đa Phước (hình chụp năm 2010)


Nguy cơ ô nhiễm lan rộng


Theo quyết định của UBND TP.HCM, từ ngày 30.11.2014, 1.200 tấn rác/ngày tại bãi chôn lấp số 3 của khu Phước Hiệp (Củ Chi - chủ đầu tư là công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) được chuyển về bãi chôn lấp rác Đa Phước (chủ đầu tư là Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam - VWS - do ông David Dương làm chủ).


Đến ngày 31.3.2015, bãi chôn lấp số 3 hoàn toàn đóng cửa, 800 tấn rác/ngày còn lại tại đây được chuyển về Đa Phước. Theo quyết định của UBND TP.HCM, lý do đóng cửa bãi chôn lấp số 3 là ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, qua rất nhiều phân tích và ý kiến, vấn đề này chưa thuyết phục. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) vào năm 2013, so sánh môi trường tổng thể của cả Phước Hiệp và Đa Phước đều cho thấy sự hiện diện của các chỉ tiêu ô nhiễm đặc trưng liên quan đến hoạt động xử lý chất thải, không quá chênh lệch, trong đó khu Phước Hiệp xử lý rác thải cho thành phố đã 13 năm, khu Đa Phướclà 7 năm.


Tại buổi khảo sát Phước Hiệp của Ban Kinh tế ngân sách, Hội đồng Nhân dân TP.HCM vào tháng 2.2015, đại diện UBND xã Phước Hiệp và huyện Củ Chi khẳng định: từ năm 2014 cho đến nay, người dân không còn phản ánh về việc ô nhiễm của bãi rác Phước Hiệp. So với năm 2013, mùi hôi khu vực này đã giảm 90%. Do vậy, việc đóng cửa bãi rác này vì nguyên nhân ô nhiễm cần phải xem xét lại.


Còn theo phân tích của Sở TNMT, khi Đa Phước còn xử lý 3.000 tấn rác/ngày, mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe vận chuyển rác sinh hoạt đến đây. Như vậy, trung bình 1,76 phút sẽ có một chuyến xe vận chuyển đến, và đã có hiện tượng ùn tắc giao thông từ quốc lộ 50 đến Đa Phước. Còn với 5.000 tấn rác/ngày như hiện nay, có khoảng 490 chuyến xe/ngày. Cùng với lượng xe vận chuyển rác buộc phải bố trí, lượng lớn xe mai táng, xe vận chuyển bùn thải, xe vận chuyển bùn hầm cầu sẽ gây sức chịu tải rất lớn cho quốc lộ 50. Dù quốc lộ 50 đang được quy hoạch mở rộng, nhưng cũng sẽ dẫn đến tình trạng rơi vãi nước rỉ rác, ô nhiễm mùi hôi thứ cấp do quá trình phân huỷ rác, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt khu dân cư xung quanh.


Chưa kể, việc tập trung khối lượng rác về một nơi sẽ không đảm bảo vấn đề an ninh chất thải (Đa Phước từng xảy ra cháy bãi rác vào tháng 2.2014), gây tăng ô nhiễm mùi hôi từ bãi rác ở phạm vi rộng hơn, tăng ô nhiễm không khí...

 

TP[-]HCM:[-]Bất[-]hợp[-]lý[-]trong[-]việc[-]chi[-]trả[-]tiền[-]xử[-]lý[-]rác[-]ở[-]Đa[-]Phước


Độc quyền với giá cao ngất


Tại báo cáo gửi Thường trực Thành ủy ngày 20.3.2015 của ông Lê Mạnh Hà, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc Đa Phước chiếm 75% lượng rác thành phố cho thấy đang đi sai quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (nâng cấp Phước Hiệp xử lý 8.000 tấn/ngày - lên 690ha, Đa Phước chỉ xử lý rác ở 200ha). Đồng thời, Đa Phước đang độc quyền trong lĩnh vực chôn lấp khi được nhận 100% rác chôn lấp của thành phố (số rác còn lại được chế biến composite và tái chế nhựa qua hai công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa - PV), có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.


Điều đáng nói, trong khi VWS chưa được thông qua giấy phép điều chỉnh đầu tư, chưa được Bộ Xây dựng thông qua điều chỉnh thiết kết, Bộ Tài nguyên Môi trường chưa phê duyệt lại giấy phép đánh giá tác động môi trường thì công ty này vẫn đang được tiếp nhận thêm 1.200 tấn rác/ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp chuyển về, nâng tổng công suất tiếp nhận rác tại khu vực này lên đến 4.200 tấn rác/ngày, vượt quá 50% tổng khối lượng rác thải của toàn thành phố, vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh.


Giá xử lý rác thải cho Công ty VWS cũng có nhiều bất cập. Công ty không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom, tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày theo giấy phép năm 2005. Thay vào đó, VWS đang vận hành bãi chôn lấp rác với công suất khoảng 5.000 tấn/ngày. Mặc dù không xây dựng nhà máy xử lý rác nhưng công ty vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho doanh nghiệp khác đã thực hiện chôn lấp trước đây. Tính tại thời điểm hiện nay, thành phố thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3USD/tấn, tương ứng nhiều hơn khoảng 3 triệu USD/năm so với những doanh nghiệp thực hiện chôn lấp trước đây; tương đương khoảng 10 triệu USD/năm khi công suất xử lý khu Đa Phước lên 10.000 tấn/ngày. Chưa kể, giá khởi điểm 16,4 USD/tấn cho VWS (năm 2007) quá cao so với công ty cùng chôn lấp trong nước và tái chế composite. Cách tính lấy tổng chi phí chia cho số lượng rác xử lý làm đơn giá xử lý đã làm cho giá rác rất cao, không chính xác và hoàn toàn phụ thuộc thông tin do chủ đầu tư cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư khai quá cao cũng không xác định được.


Cách tính giá rác cho VWS theo CPI cũng không đúng quy định và không bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Hiện giá chôn lấp của Đa Phước đã 20,16 USD/tấn. Sau một thời gian giá chôn lấp thậm chí sẽ vượt giá đốt rác (30 USD/tấn). Ngoài ra, theo quy định pháp luật, giá cung cấp dịch vụ công ích do nhà nước ấn định, tuy nhiên thành phố lại thỏa thuận giá với VWS. Thực tế hiện nay, thành phố ấn định giá với tất cả các dịch vụ, sản phẩm công ích trong đó có xử lý rác, trừ xử lý rác ở Đa Phước!'


Việc cho phép khu Đa Phước tăng công suất chôn lấp lên 10.000 tấn/ngày như hiện nay và giá chôn lấp càng cao thì nguy cơ chủ đầu tư Đa Phước không thực hiện tái chế rác thải rất lớn. Các doanh nghiệp khác cũng không muốn tái chế vì giá chôn lấp cao. Các doanh nghiệp khác cũng không thể tham gia chôn lấp, vì theo quy hoạch TP.HCM, chỉ có hai khu xử lý rác nhưng một đã đóng cửa, khu còn lại là do VWS vận hành. Như vậy rõ ràng VWS sẽ trở thành độc quyền không chỉ trong lĩnh vực chôn lấp rác mà còn trong toàn bộ hoạt động xử lý rác và cản trở phát triển tái chế và đốt rác thải.


Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, hiện nay nguyên tắc, chủ trương chung là xã hội hoá lĩnh vực thu gom xử lý rác, dần dần nhà nước không phải trả tiền cho việc này, mà doanh nghiệp tự thu gom trong quyền hạn của mình, chế biến, phân loại, kinh doanh, và nhận được một số ưu đãi như về thuế, giá đất, giá điện... Vì vậy, việc thành phố ký hợp đồng với doanh nghiệp về giá xử lý rác tăng dần theo mỗi năm là vô lý.


“Ban đầu giá xử lý rác có thể cao, vì đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại... nhưng những năm sau thì giá xử lý rác sẽ được giảm dần, cho đến lúc về 0, nhà nước không phải trả tiền cho doanh nghiệp nữa. Còn TP.HCM thì đang làm ngược lại, giá tiền xử lý lại tăng dần, trong khi rác được xem là tài nguyên, anh thu gom xử lý rác và anh thu lợi nhuận được từ việc này - PGS Sỹ phân tích - Tôi rất ủng hộ việc tăng giá xử lý rác nhưng không làm mất đất cho chôn lấp, vì khi đã chôn lấp thì coi như toàn bộ đất đó là mất vĩnh viễn. Tăng giá xử lý rác mà giải quyết triệt để vấn đề môi trường và các vấn đề khác, không ảnh hưởng tới người dân thì ủng hộ. Nhưng nếu cùng một công nghệ như nhau, ở cùng một mặt bằng như nhau mà giá xử lý rác của hai đơn vị khác nhau thì cần phải xem lại”.

Đa Phước hoạt động không phép?

Về việc xin phép nâng công suất tiếp nhận rác thải từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 ngày (với thời gian hoạt động rút ngắn còn 14 năm) của Đa Phước vào tháng 10.2014 của VWS, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Đa Phước: “việc nâng công suất tiếp nhận rác thải cần thực hiện theo lộ trình do UBND TP.HCM quyết định, phù hợp với hạ tầng kỹ thuật”.

Được biết, cho đến nay, VWS vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường, và UBND TP.HCM chưa cấp giấy phép đầu tư với phương án nâng công suất xử lý lên 10.000 tấn/ngày của Đa Phước.

 

.Theo kết quả phân tích, chất lượng nước mặt ở các kênh tiếp giáp bãi chôn lấp Đa Phước là Rạch Chiếc, Rạch Ngã Cạy và Ngã ba Rạch Chiếc - sông Cần Giuộc năm 2013 có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, sắt và coliform. Cụ thể như sau:

+ 7/7 vị trí quan trắc có nồng độ COD và BOD5 vượt giá trị quy định trong cột B1 QCVN 08:2008/BTNMT từ 1,1 - 2,67 lần.

+ 7/7 vị trí quan trắc có nồng độ amoni vượt giới hạn quy định trong cột B1 (QCVN 08:2008/BTNMT) từ 1,5 - 9,34 lần.

+ 7/7 vị trí quan trắc có nồng độ nitrit vượt quá giới hạn quy định trong QCVN 08:2008/BTNMT từ 2,25 - 17,25 lần.

+ 7/7 vị trí có nồng độ coliform vượt quy định theo QCVN 08:2008/BTNMT từ 1,2 - 8,53 lần.

+ Sắt vượt 1,05 - 15,36 lần.

Lê Quỳnh (Người Đô Thị)
Bản in